Thứ hai 29/04/2024 08:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dấu ấn những ngày đầu tạo dựng

15:15 | 23/03/2021

(Xây dựng) - Tôi đang duyệt bài để lên trang in báo Lao động - Xã hội (Bộ LĐTB&XH) có trụ sở ở 73 Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội thì chuông điện thoại réo. Nhấc ống nghe đầu dây bên kia người gọi xưng danh:” Tôi là Vũ Hải, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Lao động, Bộ Xây dựng…”. Ông cho biết, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc muốn gặp tôi để đặt vấn đề xuất bản tờ báo của ngành. Ông bảo Bộ trưởng sẽ bố trí để gặp tại cơ quan ở 37 Lê Đại Hành. Thú thực, tôi có biết vị Bộ trưởng này từ khi ông chỉ huy công trình thủy điện Sông Đà, song chưa một lần tiếp xúc trực tiếp. Hai hôm sau ông Vũ Duy Từ - Giám đốc Trung tâm Thông tin gặp tại nhà riêng của tôi nói ý định của Bộ trưởng và cho biết sẽ có người đến đón để Bộ trưởng gặp.

dau an nhung ngay dau tao dung

Khoảng 16h ngày 29/01/1997, ông Ngô Văn Viện - chuyên viên Vụ Tổ chức - Lao động đi xe tới đón. Tôi đến ngồi ở Văn phòng gần 10 phút thì Bộ trưởng xách cặp về. Vị Phó chánh Văn phòng dẫn tôi vào phòng ông. Gặp tôi, ông hỏi: “Kim Quốc Hoa chờ lâu chưa? Vào đây ta trao đổi nhé!” Được biết ông vừa đi họp Chính phủ về. Ông nói luôn là sắp tới Bộ kỷ niệm 40 năm thành lập (tiền thân là Bộ Kiến trúc thành lập tháng 4/1958). Bộ có Tạp chí từ năm 1961 nhưng chưa có tờ báo như một số Bộ khác. Ông mời tôi chuyển về Bộ Xây dựng để chủ trì tờ báo. Tôi nói: “Thưa anh, muốn ra báo phải có đề án xuất bản trình lên Bộ VHTT, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương để được cấp phép, rồi phải có đội ngũ phóng viên, phải cấp kinh phí…”. Cuối cuộc gặp, tôi nói: “Thưa anh, việc thuyên chuyển chưa thể đặt ra vì em còn phụ trách tờ báo Lao động - Xã hội nhưng trước tết sẽ giúp Bộ trưởng viết đề án xuất bản tờ báo của ngành. Còn ai về làm Tổng biên tập nếu thực hiện đúng đề án sẽ đưa tờ báo vào quỹ đạo…”. Trước khi chia tay, tôi hỏi: “Sao Bộ trưởng biết em?”. Ông nói: “Hồng Vinh, đồng hương của tớ giới thiệu (lúc đó anh Hồng Vinh là Tổng biên tập Báo Nhân Dân, quê Nam Định -TG) nói Bộ Xây dựng nên sớm có tờ báo và dặn mình nên xin Kim Quốc Hoa về được thì tốt nhất. Hồng Vinh bảo cậu có thể chủ trì tờ báo không cần bao cấp”. Vào thời điểm đó, Bộ Xây dựng rốt ráo muốn có tờ báo bởi hai lẽ, một là sau vụ án xi măng “nổi cộm” trong ngành bị báo chí phê phán gay gắt; hai là cận kề ngày truyền thống 40 năm thành lập.

Đúng hẹn, sau những ngày nghỉ tết Đinh Sửu - 1997, tôi đến Bộ trao cho ông Vũ Hải bản đề án xuất bản Báo Xây dựng, trong đó, về phần đầu tư cơ quan chủ quản bố trí trụ sở làm việc và chỉ cần kinh phí ban đầu 60 triệu đồng để mua sắm máy ảnh, văn phòng phẩm, lắp điện thoại, vài bộ bàn ghế, tủ tài liệu… Tháng 4/1997, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc gặp tôi lần thứ hai và cho biết đầu tháng sau họp Ban Cán sự bàn việc ra báo và mời tôi về. Tôi chưa nhận lời. Sau được biết trong cuộc họp Ban Cán sự chủ trương ai xây dựng đề án thì mời về làm Tổng biên tập. Cuối tháng 8/1997 cũng trong một lần đi họp Chính phủ về, anh Ngô Xuân Lộc cho người đón tôi gặp lần thứ ba để thông báo và khẳng định: “Chúng mình quyết rồi, Kim Quốc Hoa về bên này nhé! Mai họp Chính phủ một buổi nữa mình sẽ gặp anh Trần Đình Hoan (Bộ trưởng Bộ LĐTB& XH) đặt vấn đề cho cậu về bên này…”.

dau an nhung ngay dau tao dung

Theo quyết định của Bộ, ngày 01/10/1997, tôi đến Bộ Xây dựng nhận công tác cũng là ngày Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc bàn giao cho GS.TSKH Nguyễn Mạnh Kiểm để lên làm Phó Thủ tướng. Tôi được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm trực tiếp giao nhiệm vụ. Trước mắt, tôi ngồi tại Trung tâm Thông tin để lo thủ tục và xin Giấy phép xuất bản. Một mình đánh vật với thời gian, vừa làm đề cương ra báo, đặt tên các trang, các chuyên mục, thiết kế măng - séc, vừa dự tính bộ máy tòa soạn, lấy phóng viên về… Giữa tháng 12 được nhận Giấy phép xuất bản do Bộ trưởng VHTT Trần Hoàn ký, tôi như “mở cờ trong bụng“ nhưng vô cùng lo lắng vì Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Kiểm giao nhiệm vụ: “Tiền có thế thôi (tức là chỉ có 60 triệu đồng) cậu làm thế nào đúng ngày kỉ niệm 40 năm phải có tờ báo ra mắt”. Trong khi còn một tháng nữa là tết Mậu Dần, quân cán chưa có người thứ hai. Trong cái tháng “củ mật” ấy, tôi chiêu mộ được 7 phóng viên, trong đó có người từ Lào Cai, Nam Định, Bắc Giang... về. Chúng tôi chụm đầu vào nhau bàn bạc, phân công đi cơ sở viết bài để chuẩn bị ra báo. Tôi vay Trung tâm Thông tin 20 triệu đồng dùng vào việc tạm cấp lương cho anh em có cái tết. Không có trụ sở, Văn phòng gợi ý chỉ có một gian ga - ra ôtô chừng 40 m2, chứa mấy xe cũ nát từ nhiều năm chưa thanh lý. Tôi đồng ý đặt trụ sở đầu tiên ở đó, ra vào phải cúi xuống. Sau khi Đội xe của Bộ “lôi” những chiếc ôtô “xếp xó” lâu ngày ra, suốt ba, bốn ngày chúng tôi dọn dẹp, quét tước, lau cọ, chịu đựng đủ mùi hôi hám, ẩm mốc. Văn phòng cho phép lên hành lang trên tầng tòa trụ sở Bộ có những bàn ghế cũ các vụ bỏ đi, nhặt nhạnh đưa về kê làm việc. Cái nào ọp ẹp đóng ghim lại, ghế gỗ, ghế mây cũng dùng được hết, cọc cạch chẳng sao. Tôi động viên anh chị em đừng đòi hỏi gì hơn, hãy làm việc, làm việc và làm việc thật hiệu quả. Mọi người hoạt động hết công suất, không còn lo việc riêng tư, tất cả dồn sức cho ra số báo đầu.

Thế rồi “đứa con đầu lòng khôi ngô, tuấn tú” đã ra đời. Đó là kì xuất bản đầu tiên Báo Xây dựng có nội dung chuyên ngành phong phú, hình thức đẹp như báo Tết được ra mắt ngày 24/3/1998 trong sự vui mừng khôn xiết của chúng tôi, xôn xao khối cơ quan Bộ, vượt yêu cầu của Bộ trưởng trước 1 tháng. Tiếp đến là các số báo hàng tuần đều đặn ra lò. Đúng ngày kỷ niệm 40 năm ngành Xây dựng Việt Nam lại có số đặc biệt kì vĩ hơn cả số đầu. Ngay sau đó, chúng tôi có tiền trả nợ Trung tâm Thông tin, trả nhà in, tiền lương, nhuận bút cho mọi người. Chặng đường ấy, anh chị em trong tòa soạn thân thương một nhà hơn cả ruột thịt. Ba năm sau (2001), Bộ cho báo một dự án trị giá 500 triệu đồng được mua chiếc xe con và sắm thêm ít bàn ghế, phương tiện làm việc, được mở rộng thêm vài gian thu hồi từ Ban Quản lý nhà (giải thể) để có thêm chỗ làm việc cho cán bộ, phóng viên, nhân viên. Suốt từ đó, chúng tôi đều đặn ra các kì báo tuần và đặc san hàng tháng. Đến năm 2002, tòa soạn có đội ngũ với 36 người và thực hiện cơ chế tự cân đối, tự trang trải, chứ không hưởng thụ bao cấp. Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi về những năm làm Báo Xây dựng như có người nhận xét là “tay không bắt giặc”. Chỉ với kinh phí 60 triệu đồng nhưng tạo dựng lên một sự nghiệp vẻ vang cho Ngành, để sau đó các Tổng biên tập kế nhiệm chấn hưng, phát triển tốt đẹp như bây giờ.

Kim Quốc Hoa
Nguyên Tổng biên tập đầu tiên Báo Xây dựng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load