Thứ sáu 27/09/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Dấu ấn “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định”

08:35 | 26/08/2024

(Xây dựng) – Chương trình “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định” đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Những giai điệu ân tình ấy đã chạm đến sâu thẳm trái tim của mỗi người con quê hương Bình Định dù đang xa xứ mưu sinh hay đang sinh sống giữa lòng quê hương. Chương trình không chỉ gói gọn là đêm biểu diễn nghệ thuật, mà còn là một hành trình về nguồn, tôn vinh những nhạc sỹ, ca sỹ gốc Bình Định đã để lại dấu ấn lớn trong nền âm nhạc Việt Nam.

Dấu ấn “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định”
Bình Định là "cái nôi" của nghệ thuật hát bội.

“Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định” là chương trình vừa được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định dưới sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan ban, ngành, Tập đoàn Vietravel kết hợp Hội đồng hương Bình Định tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị đồng tổ chức. Đây là một đêm diễn đầy cảm xúc với sân khấu được thiết kế công phu, rõ nét không gian văn hóa quê hương Bình Định. Mỗi tiết mục, mỗi ca khúc đã gợi nhắc cho khán giả về một Bình Định mộc mạc, hữu tình, nơi gắn liền với những ký ức tuổi thơ của mỗi người con “đất võ”.

Chương trình đã đưa khán giả sống lại những khoảnh khắc vàng của âm nhạc Việt qua các sáng tác nổi tiếng như: Đường về hai thôn, Bông hồng cài áo, Tóc mây của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ; Hỏi vợ ngoại thành, Lại nhớ người yêu của nhạc sỹ Giao Tiên; hay Một đời người một rừng cây, Xin làm người hát rong của nhạc sỹ Trần Long Ẩn. Ngoài ra, còn hàng loạt nhạc phẩm nổi tiếng: Về quê ngoại, Cây cầu dừa của Hàn Châu; Dấu tình nhòa của Tô Quốc Cơ; Phải chi em lấy chồng xa, Đắp mộ cuộc tình của nhạc sỹ Vũ Thanh.

Một số ca khúc từng lên “hot trending” như: Ai chung tình được mãi, Ngày mai người ta lấy chồng, Khóa ly biệt, Cơm đoàn viên, Một vòng Việt Nam của Đông Thiên Đức….Điều đặc biệt, những ca khúc của chương trình đều được sáng tác và thể hiện bởi những nghệ sỹ tài năng gốc Bình Định.

Dấu ấn “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định”
Chú Trần Văn Nhã cùng vợ đến từ sớm để tham dự chương trình.

Từ khi biết được chương trình “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định” sẽ được diễn ra giữa lòng thành phố Quy Nhơn, chú Trần Văn Nhã ở thành phố Quy Nhơn không khỏi háo hức và chờ đón. Đối với chú, một người từng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất quê hương này, chứng kiến bao sự đổi thay của quê hương mới càng hiểu rõ và trân quý những “hồn cốt” của vùng quê. Đối với chú, những làn điệu của vùng đất này đều như lời ru của mẹ, của quê hương, đó là sự kết nối sự gắn bó yêu thương, sưởi ấm bao thế hệ.

Lắng nghe những giai điệu của một thời, chú Trần Văn Nhã chia sẻ: “Được thưởng thức chương trình nghệ thuật của những người con sinh ra tại đất Bình Định nhưng vì cuộc sống phải xa quê hương. Hôm nay, họ về đây để chung sức làm nên một chương trình cho bà con quê hương cùng hồi tưởng lại những năm tháng qua thì thấy vui mừng lắm, phấn khởi và xúc động lắm. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều chương trình như thế này nữa bởi đó sẽ là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ ngày ấy và bây giờ”.

Dấu ấn “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định”
Nhạc sĩ Vũ Thanh chia sẻ tại đêm nhạc.

Mỗi ca khúc trong chương trình không chỉ là một bản nhạc, mà còn là một câu chuyện, một chân dung đầy cảm xúc về con người và cuộc sống. Ngoài những phần trình diễn mãn nhãn, giàu chất nghệ thuật, đêm nhạc đã đem đến cho khán giả những câu chuyện đầy xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của các nhạc sỹ, ca sỹ giúp công chúng hiểu hơn về những con người đã cống hiến cả cuộc đời cho nền âm nhạc Việt Nam.

Xa quê hương hơn 30 năm, có mặt trong đêm nhạc “Giai điệu ân tình - Quê mình Bình Định” nhạc sỹ Vũ Thanh không khỏi xúc động. Vì hoàn cảnh, nhạc sỹ đã phải bôn ba nơi đất khách quê người nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn luôn đau đáu, thường trực trong trái tim của người nhạc sỹ gốc Bình Định… để rồi, những nỗi nhớ ấy đã được nhạc sỹ phác họa qua những tác phẩm âm nhạc. Nhạc sỹ Vũ Thanh cho biết, ở nơi đất người, ông đã viết rất nhiều tác phẩm về quê hương Bình Định để vơi đi nỗi nhớ, trong đó nổi bật như: Quy Nhơn – đôi mắt người xưa; Phải chi em lấy chồng xa, Đắp mộ cuộc tình, Lại nhớ người yêu…

“Lần này trở về đây với vai trò là khách mời trong đêm nhạc, tôi thấy rất tự hào về Quy Nhơn. Tôi đã đi khắp năm châu bốn bể nhưng khi về lại Quy Nhơn thấy sự phát triển của Quy Nhơn tôi rất nức lòng. Đặc biệt, khi biết được những chương trình dự kiến sắp tới của tỉnh tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một thành phố giàu đẹp văn minh văn hóa và có thể vươn tầm ra thế giới”, nhạc sỹ Vũ Thanh chia sẻ.

Dấu ấn “Ký ức quê hương - Giai điệu ân tình quê mình Bình Định”
Chương trình để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Là một khán giả trẻ của chương trình, bạn Hà My (Gia Lai) hiện đang theo học tại một trường Đại học trên địa bàn tỉnh cho biết: Các bạn cứ nói chương trình này chỉ dành cho các cô chú lớn tuổi, hoài niệm về những năm tháng đã qua. Nhưng khi xem chương trình này, em lại thêm hiểu về mảnh đất, về con người mà em đang ở. Em được thưởng thức về nghệ thuật hát bội, được lắng nghe những ca khúc trước đây mà thế hệ ông bà, ba mẹ từng nghe của các nhạc sỹ gạo cội đã cống hiến cả đời mình cho nền âm nhạc nước nhà, không những vậy còn có những ca khúc mà các bạn trẻ chúng em yêu thích. Em thấy thú vị khi những ca sỹ, nhạc sỹ là người con của mảnh đất này. Qua đây, em thấy yêu và trân quý hơn mảnh đất, con người của đất võ, đất thơ.

Chương trình đã khép lại, nhưng mạch chảy giai điệu quê hương vẫn còn mãi, vấn vương mãi trong lòng người nghe. Chương trình nghệ thuật “Ký ức quê hương” được tổ chức không chỉ để tôn vinh những tài năng âm nhạc mà còn để thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với môi trường, quê hương.

Chương trình kết thúc, mỗi khách mời tham dự được khuyến khích không vứt rác bừa bãi và tự thu dọn xung quanh chỗ ngồi của mình trước khi rời đi. Đây là một hành động đầy ý nghĩa nhằm gìn giữ vẻ đẹp của quê hương, hướng đến xây dựng thành phố Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung thành điểm đến du lịch thân thiện, xanh, sạch và phát triển bền vững.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024

    (Xây dựng) - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước, sẽ mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

  • Vĩnh Phúc: Độc đáo kiến trúc nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

    (Xây dựng) - Nhà thờ tổ họ Bùi tọa lạc tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam với diện tích 35.000m2, tổng kinh phí xây dựng lên tới 208 tỷ đồng.

  • Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

    (Xây dựng) - Biên Hòa, một đô thị lớn nhưng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa như: Nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất tỉnh “nhà” cần đầu tư thêm một số công trình văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân như: Quảng trường Thành cổ, quảng trường Sông Phố.

  • Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

    (Xây dựng) – Trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ sáp nhập trở thành thành phố Hoa Lư. Với gần 30% diện tích là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây sẽ là một đô thị di sản năng động và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển đô thị di sản, Ninh Bình đang triển khai nhiệm vụ bảo tồn những giá trị đặc trưng trong lối kiến trúc xây dựng tại vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An.

  • Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

    (Xây dựng) - Từ năm 1993, sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy giá trị của di sản.

  • Những tác phẩm của Bác Hồ được công nhận là bảo vật quốc gia

    Năm tác phẩm "Đường Kách mệnh," "Nhật ký trong tù," Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước và Di chúc của Bác Hồ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load