(Xây dựng) – Trong những ngày tháng 5, khi sắc tím bằng lăng nở rộ trên mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, những kiến trúc sư, kỹ sư của Viện Kiến trúc quốc gia vẫn miệt mài nghiên cứu, khảo sát thực địa, thiết kế, thi công những công trình, các đồ án quy hoạch tại các tỉnh, thành phố và các dự án nhà ở xã hội trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Sau những bản thiết kế quy mô, quy hoạch chất lượng là những chuyến khảo sát dài ngày, nghiên cứu thực tế vượt núi băng rừng (Hà Giang - tháng 03/2024). |
Kế thừa và tiếp nối truyền thống của thế hệ đi trước, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vượt qua những khó khăn, những con người Viện Kiến trúc quốc gia (VIAr) đã và đang góp phần kiến tạo những vùng đất, xây dựng nên một Việt Nam tươi đẹp hơn.
Kiến tạo những vùng đất
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, với sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ lãnh đạo, các kiến trúc sư qua các thời kỳ đã tạo nên thương hiệu VIAr đáp ứng tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Sau quá trình phát triển, những kiến trúc sư, kỹ sư VIAr đã tạo nên nhiều công trình kiến trúc, những đồ án quy hoạch góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Từ những thiết kế điển hình giai đoạn tái thiết xây dựng lại đất nước như trụ sở cơ quan, khu nhà ở tập thể, nhà máy, công xưởng… đến những đồ án quy hoạch tại các tỉnh thành, các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà chống bão lũ, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng… Những con người VIAr đang thầm lặng vẽ lên những vùng đất, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Theo chân Đoàn công tác của Trung tâm Quy hoạch và thiết kế đô thị (trực thuộc VIAr) đi khảo sát thực tế quy hoạch tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) mới thấm thía nỗi gian nan và tâm huyết của mỗi kiến trúc sư đối với vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Sau 3 tháng dầm mưa, dãi nắng tại Vị Xuyên, KTS. Kiều Tiến Trung chia sẻ: “Xa xôi, đi lại khó khăn, tôi không nhớ mình đã phải đi qua bao nhiêu đèo dốc khúc khuỷu, địa hình dốc hiểm trở đi lại khó khăn, bà con dân tộc còn nghèo lắm! Nhưng dường như đây lại là động lực, thôi thúc những kiến trúc sư như chúng tôi tìm tòi, khám phá để xây dựng được đồ án quy hoạch cho địa phương”.
KTS. Kiều Tiến Trung cho biết thêm, Hà Giang nằm trong khu vực địa bàn vùng núi cao phía Bắc lãnh thổ Việt Nam với quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800m đến 1.200m so với mực nước biển.
Đoàn công tác của Trung tâm Quy hoạch và thiết kế đô thị (trực thuộc VIAr) khảo sát thực tế quy hoạch tại Hà Giang vào tháng 4/2024. |
Tại huyện Vị Xuyên, một địa phương có nhiều đồi núi cao, Đoàn công tác phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, UBND huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; nghiên cứu khảo sát và căn cứ phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch.
Giữa cái nắng bỏng rát của mùa hè, quệt những giọt mồ hôi trên mặt, KTS. Kiều Tiến Trung trăn trở: “Sẽ còn cả chặng đường dài nữa, nhưng vì mục tiêu phía trước, vì những vùng đất phát triển trù phú trong tương lai, tôi và anh em kiến trúc sư mong muốn sẽ hoàn thành sớm nhiệm vụ. Quan trọng nhất là làm sao để đây sẽ là vùng đất tạo đà phát triển cho phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang”.
Là một trong những kiến trúc sư góp phần lập Đồ án Quy hoạch phân khu, khu đô thị ven đô Phong Quang (Phân khu 9) thuộc Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, KTS. Hoàng Duy Nam vẫn nhớ như in những lần anh em trong đoàn vất vả trèo đèo, lội suối đi khảo sát.
KTS. Hoàng Duy Nam cho biết, với mục tiêu nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035, Đoàn công tác xác định xây dựng đồ án trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, tôn trọng môi trường đô thị theo hướng phát triển du lịch sinh thái, đồng thời bảo vệ tự nhiên, tạo dựng cảnh quan đô thị, cải tạo nâng cấp khu dân cư hiện trạng và phát triển đô thị văn minh – hiện đại theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
“Niềm vui lớn nhất của chúng tôi sau những ngày vất vả là đồ án được phê duyệt. Sau 9 tháng nỗ lực, năm 2023, UBND tỉnh Hà Giang đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ đồ án Quy hoạch phân khu, khu đô thị ven đô Phong Quang. Đây cũng là kỷ niệm được viết tiếp trong cuộc hành trình làm mới những vùng đất”, KTS. Hoàng Duy Nam hồ hởi chia sẻ.
Góp phần hiện thực hóa 1 triệu căn nhà ở xã hội
Đây là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng quán triệt. Để đảm bảo đến năm 2030 cả nước đạt hơn 1 triệu căn NƠXH cho người thu nhập thấp, đòi hỏi việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân cả về chất lượng và số lượng là yêu cầu thực tế và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, công tác thiết kế thi công đối với loài hình nhà ở này đang đặt ra nhiều thách thức.
Dự án Khu NƠXH thuộc dân cư đồi Ngân hàng tại thành phố Hạ Long đang dần hoàn thiện, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 của Bộ Xây dựng. |
Trước đòi hỏi cấp thiết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Viện Kiến trúc quốc gia đã ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiết kế điển hình, thiết kế thực nghiệm về NƠXH, nghiên cứu cơ chế chính sách, lý luận phê bình cho NƠXH.
Những quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế này đã được áp dụng tại một số dự án như Đồ án Quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công 2, giai đoạn 2 quy mô khoảng 360ha, trong đó việc quy hoạch khu công nghiệp gắn liền với quy hoạch khu nhà ở công nhân.
Những quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nêu trên cũng được áp dụng khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công và lập tổng dự toán các dự án NƠXH tại các địa phương như: Dự án Nhà ở khu dân cư số 3 thành phố Bắc Giang; Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dân cư đồi Ngân hàng tại phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long...
Chia sẻ về quá trình thiết kế thi công Dự án Khu NƠXH thuộc dân cư đồi Ngân hàng tại phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, KTS. Nguyễn Thành Long cho biết, từ ý tưởng của chủ đầu tư về dự án NƠXH khu dân cư Đồi ngân hàng được thiết kế lấy cảm hứng từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản. Dự án mang đến một lối sống tối giản, tinh tế, an yên giúp cho cư dân có thể tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Dự án NƠXH tại đồi Ngân hàng có quy mô dân số dự kiến khoảng 3.880 người. Theo quy hoạch, dự án sẽ có 3 tòa nhà chung cư, tổng cộng 986 căn hộ.
“Đây là một trong những công trình NƠXH đặc biệt tạo dấu ấn bởi hệ thống kết cấu và kiến trúc mang tiêu chuẩn quốc tế. Dự án cũng một lần nữa khẳng định tầm vóc và vai trò quan trọng của VIAr trong việc thiết kế thi công nhà ở xã hội”, KTS. Nguyễn Thành Long chia sẻ thêm.
Những kiến trúc sư, kỹ sư của VIAr khảo sát, kiểm tra thực tế tại Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dân cư đồi Ngân hàng. |
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong những năm qua, VIAr đã nghiên cứu nhiều vấn đề lý luận trong quản lý đô thị, phát triển đô thị xanh, thông minh.
Viện cũng chủ động mở rộng hợp tác, liên kết với các địa phương, nghiên cứu khoa học, thực hiện dịch vụ tư vấn cho các địa phương về các chương trình phát triển đô thị, thiết kế đô thị, chỉnh trang đô thị, thiết kế kiến trúc công trình và quy hoạch xây dựng; Góp phần giúp cho các địa phương trong công tác hoạch định không gian phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư.
Viện đã tham gia các dự án đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc các cơ quan Đảng của tỉnh Cao Bằng; Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở The Dawn Rạng Đông Residence, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Dự án đầu tư xây dựng Nhà thờ giáo xứ Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái; Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cơ sở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; Dự án đầu tư xây dựng sân vận động Tiên Du, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Song song với công tác tư vấn thiết kế nhiều công trình kiến trúc trên cả nước, đội ngũ kiến trúc sư của Viện còn đẩy mạnh gắn kết giữa công tác nghiên cứu khoa học và thực tiễn, tham gia nhiều cuộc thi phương án thiết kế kiến trúc đạt giải cao như: Giải Nhất cuộc thi Biểu tượng kiến trúc từ truyền thống đến hiện đại; Giải Nhất cuộc thi Biểu tượng thành phố Hòa Bình, Mẫu công trình biểu tượng tỉnh Hải Dương; Giải Nhất cuộc thi Phương án kiến trúc xây dựng Trung tâm Hành chính Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước…
Bên cạnh đó, Viện cũng tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch ở các cấp độ như quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết tại các tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Đà Nẵng…
Bình Minh (Ảnh: VIAr)
Theo