Chủ nhật 08/12/2024 13:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Đánh giá tác động chính sách pháp luật về xây dựng: Chủ động và kịp thời

12:13 | 19/06/2023

(Xây dựng) – Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bảo đảm tuân thủ quy chế, quy định của pháp luật.

Đánh giá tác động chính sách pháp luật về xây dựng: Chủ động và kịp thời
Đánh giá tác động chính sách là một trong những công việc quan trọng khi đề nghị xây dựng VBQPPL.

Chủ động và tích cực

Theo Luật Ban hành VBQPPL thì việc đánh giá tác động của chính sách được hiểu là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện. Có thể hiểu thông qua việc đánh giá sự tác động này sẽ giúp cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đưa ra được những giải pháp, quyết sách phù hợp với thực tiễn.

Ngay tại Điều 35 Luật này quy định, nếu trong dự án luật có chính sách mới được đề xuất thì phải được đánh giá tác động kịp thời. Các nội dung đánh giá tác động của từng chính sách thông thường cần nêu rõ vấn đề cần giải quyết; mục tiêu; giải pháp để thực hiện; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới...

Xác định rõ tầm quan trọng và mục tiêu của công tác này, trong 6 tháng đầu năm 2023, việc đánh giá tác động chính sách trong lập đề nghị, soạn thảo dự án, dự thảo VBQPPL và hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động được Bộ Xây dựng triển khai chủ động, tích cực, góp phần hoàn thiện nhiều dự thảo, dự án luật quan trọng để trình Chính phủ, Quốc hội.

Theo Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng), ngay từ những tháng đầu năm, quá trình đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ đã xác định rõ các mục tiêu là sẽ tập trung giải quyết 03 chính sách lớn gồm: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; hoàn thiện quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch và hoàn thiện quy định nâng cao chất lượng quy hoạch.

Mỗi chính sách này sẽ có các quy định riêng được kế thừa và cụ thể hóa từ các quy định hiện hành, thậm chí có các chính sách mới được phát hiện, đề xuất kịp thời từ bước đánh giá tác động quan trọng này.

Đến đầu tháng 4/2023, Bộ tiếp tục trình Chính phủ nghiên cứu, dự thảo, đề nghị một Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Để chuẩn bị hồ sơ liên quan đến Nghị quyết thí điểm trên, Bộ cũng đã thực hiện đánh giá tác động của các chính sách trong dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Đó là việc xác định rõ bối cảnh xây dựng chính sách đang có những vấn đề bất cập từ hệ thống pháp luật đã cũ và tính yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn như: thiếu nguồn cung nhà ở xã hội; hay để thực hiện hiểu quả Đề án 01 triệu căn NOXH; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản...

Trên cơ sở đó đưa ra mục tiêu của chính sách mà Nghị quyết hướng đến bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, đầu tư công, nhà ở, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản, cư trú, thuế...

Quan trọng là đẩy mạnh được phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực nhà ở xã hội.

Quá trình nghiên cứu, đề xuất, xây dựng dự thảo Nghị quyết này không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, thực hiện đúng mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính là tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tham gia lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính lồng ghép trong quá trình báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong các dự án Luật và Nghị quyết trình Quốc hội, như: dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Báo cáo đánh giá tác động chính sách, được phân tích chi tiết trên phương diện tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế, xã hội, bình đằng giới và cả hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đánh giá, đưa ra các giải pháp, đề xuất, rồi tiếp tục phân tích ưu, nhược điểm để lựa chọn giải pháp tốt nhất cho chính sách.

Khó khăn và nguyên nhân

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc đánh giá tác động chính sách pháp luật, đánh giá tác động thủ tục hành chính còn gặp một số khó, vướng mắc khi thực hiện trên thực tế.

Công tác lượng hóa các chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đối với dự án VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội (như Luật, pháp lệnh) để đánh giá tác động theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn lực, kinh phí cho công tác này cũng còn hạn chế nhất định.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên, Vụ Pháp chế cũng đưa ra phân tích: theo quy định tại khoản 25, khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL thì thành phần hồ sơ dự thảo Nghị định gửi thẩm định, trình Chính phủ bao gồm bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự thảo nếu trong dự thảo có quy định thủ tục hành chính.

Theo đó, tất cả các dự thảo nghị định có quy định thủ tục hành chính đều phải thực hiện đánh giá tác động. Quy định này chưa thực sự phù hợp đối với trường hợp Nghị định quy định chi tiết Luật làm rõ thêm một số yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính đã được đánh giá tác động khi soạn thảo Luật (không phát sinh thêm thủ tục, nội dung, chi phí).

Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành về đánh giá tác động chính sách tại Luật Ban hành VBQPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP còn chung chung, chưa có các tiêu chí cụ thể, theo từng lĩnh vực để phục vụ cho việc đánh giá tác động chính sách.

Bà Đặng Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP thì việc đánh giá thủ tục hành chính đối với dự án, dự thảo VBQPPL được áp dụng chung cho cả văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ…Đây là điểm chưa phù hợp với dự án VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội (như Luật) do không thể hoặc chưa thể lượng hóa đầy đủ chi phí tuân thủ thủ tục hành chính do chưa đủ các yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính và trình tự thực hiện bởi vì các nội dung này thường giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đánh giá tác động chính sách pháp luật về xây dựng: Chủ động và kịp thời
Chính sách khi xây dựng, đề xuất được đánh giá tác động đối với kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật…

Bình luận thêm về kinh phí bố trí cho công tác xây dựng pháp luật, thời gian qua mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung, đã điều chỉnh mức chi lên khoảng 1,5 – 2 lần tùy từng nội dung chi so với các mức chi cũ. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa nhiều, chưa tạo được chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó cũng chưa đáp ứng so với yêu cầu, đòi hỏi của công tác đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật nói chung, đặc biệt là trong xây dựng các dự án luật vì cần phải thực hiện nhiều điều tra, khảo sát, tổng hợp thông tin, đánh giá thực trạng và các phương án, lấy ý kiến chuyên gia… để bảo đảm được chất lượng báo cáo đánh giá tác động của chính sách.

Do vậy, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của thủ tục hành chính. Cần thiết thì bổ sung mức chi phí này sao cho phù hợp để đảm bảo đáp ứng công việc trong thực tiễn.

Cũng nên tăng cường nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác cho cán bộ, công chức làm công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để tăng chất lượng các bản dự thảo luật trước khi trình.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Xây dựng tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai việc đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL. Chủ động tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác này do Bộ Tư pháp tổ chức.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load