Chủ nhật 22/12/2024 12:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy lợi và thủy điện

14:43 | 19/09/2024

(Xây dựng) - Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có Văn bản số 5269/HĐKTNN-CTTĐ gửi các đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện về việc đảm bảo an toàn trong vận hành.

Đảm bảo an toàn trong vận hành các công trình thủy lợi và thủy điện
Các đơn vị cần thường xuyên tổ chức kiểm tra các hạng mục chính, quan trọng (hồ, đập...) để sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố. (Ảnh minh họa)

Theo đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (trước đây là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng - sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi, thủy điện quy mô lớn (có danh mục kèm theo) do các đơn vị đang quản lý khai thác, vận hành. Trong quá trình kiểm tra, Hội đồng đã có một số lưu ý cần tiếp tục theo dõi, khắc phục trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng công trình. Để công trình vận hành đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn cho người và tài sản khu vực hạ du, Hội đồng lưu ý thực hiện một số công việc.

Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn có năng lực phù hợp đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hồ đập theo quy định, dự phòng các tình huống bất thường trong quá trình vận hành công trình và có các giải pháp xử lý phù hợp. Thường xuyên tổ chức kiểm tra các hạng mục chính, quan trọng (hồ, đập...) để sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố.

Tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, vận hành. Căn cứ vào tình hình phức tạp của mưa lũ và hiện trạng công trình để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án vận hành và phương án bảo vệ công trình phù hợp theo quy định, hạn chế gây thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân khu vực hạ du.

Đồng thời, các đơn vị cần căn cứ vào lưu lượng lũ về để dự báo khả năng xả lũ và thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng tại địa phương, giúp người dân chủ động các phương án ứng phó. Trong trường hợp phải tiến hành xả lũ, đơn vị quản lý vận hành phải thông báo kịp thời cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền tại địa phương trong công tác ứng phó thiên tai để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực xả lũ, nhất là trong trường hợp xả lũ khẩn cấp.

Tổ chức, phân công bộ phận trực ban 24/24 giờ để ứng phó sự cố trong trường hợp khẩn cấp. Sau khi hết ảnh hưởng của bão, tổ chức kiểm tra tổng thể các hạng mục công trình và các số liệu quan trắc để có các giải pháp xử lý triệt để, lâu dài các tồn tại về chất lượng (nếu có). Xem xét việc thực hiện kiểm định, đánh giá an toàn đập nếu có nghi ngờ về chất lượng, tổng kết đúc rút các kinh nghiệm trong ứng phó sự cố lũ lụt để chủ động cho các tình huống xảy ra trong tương lai.

Bộ Xây dựng đề nghị đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện nghiên cứu, khẩn trương thực hiện.

Mai Chi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load