Thứ năm 06/02/2025 02:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đắk nông: Tích nước thuỷ điện Đồng Nai, dân “bơi“ về đâu?

17:23 | 23/07/2010


 Những hộ dân còn lại phải sống trong những túp lều tạm bợ vì chưa được di dời.

Theo thiết kế, ngoài 650 ha đất định canh, thì chủ đầu tư sẽ xây dựng 432 căn nhà ở, 2 trường học, 3 nhà trẻ; 5 nhà văn hóa thôn và các hạng mục khác như: trụ sở UBND xã, đài phát thanh, trạm y tế… tại khu tái định cư cho hơn 430 hộ dân với 5000 nhân khảu thuộc diện di dời trong lòng hồ, nhưng đến nay tại khu tái định cư chỉ mới xây xong được khoảng 320 căn nên còn hơn 100 hộ chưa biết bố trí ở đâu. Không những vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước, trường học…phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân tại khu tái định cư vẫn chưa đâu vào đâu. Mặt khác, việc bố trí đất tái định canh cho đồng bào hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, khả năng chỉ đáp ứng được khoảng 380/780 ha đất sản xuất cần có. Điều đáng nói ở đây là địa điểm bố trí khu đất định canh quá nhiều bất cập như: độ dốc quá lớn (hơn 40% cho phép), tầng dày lớp đất mặt chỉ có 10-20cm, nguồn nước khó khăn, địa hình chia cắt mạnh…khiến cho việc sản xuất, canh tác nông nghiệp của bà con gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó, việc Ban quản lý dự án Thủy điện 6 chưa có sơ đồ giải thửa nên hơn 400 ha đất lòng hồ chưa có quyết định thu hồi; tài sản, hoa màu chưa được áp giá đền bù thỏa đáng. Cho nên việc nhiều hộ dân vẫn chưa chịu di dời vào ở trong khu tái định cư để giao mặt bằng cho lòng hồ dự án là điều đương nhiên. Được biết, trong khuôn khổ dự án, Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 phải đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng khu tái định canh, định cư cho toàn bộ người dân nằm trong vùng dự án Thủy điện Đồng Nai 3. Một nguồn kinh phí khá lớn có thể bị “ném qua cửa sổ” vì theo nhận định của ông K’Beo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắc Nông trong một lần đi khảo sát thực địa ở đây: “Nếu khéo vận động, dân vùng ngập lòng hồ thủy điện sẽ tái định canh ở đây, rồi họ cũng sớm bỏ đi vì đất đai không thể sản xuất được”.


Những con đường lầy lội ở trung tâm xã Đắk P’lao vì hơn 10 năm nay không được phép sữa chữa vì chờ dự án.

Không những vậy, khi vào khu tái định cư, mỗi hộ dân sẽ được cấp một căn nhà xây dựng kiên cố và hoàn chỉnh với diện tích khoảng 40m2, cùng 1000 m2 đất thổ cư và từ 2-3 ha đất sản xuất, được hỗ trợ vốn sản xuất và đời sống trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, với thực tế như đã nêu ở trên thì xem ra việc bố trí tái định cư, định canh cho người dân nằm trong vùng dự án Thủy điện Đồng Nai 3 vẫn đang còn khá ngổn ngang. Giải thích về những bất cập trên, ông Lê Xuân Thành, Phó phòng Đền bù Tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3 lý giải: “Việc chọn địa điểm tái định canh và định cư là do chính quyền tỉnh Đắk Nông thực hiện, chúng tôi chỉ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nếu sau này khu tái định canh, định cư không phát huy tác dụng, tỉnh Đắk Nông sẽ tìm cách khắc phục dần, chứ hiện nay không còn cách giải quyết nào khác là chúng tôi vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng ở đây”. Còn về các hộ dân, khi được chúng tôi hỏi về nguyện vọng tái định canh, định cư. Ông K’Nguyên ở thôn 3, xã Đắk P’lao than thở: “Đã hơn 10 năm rồi, chờ nhà nước tái định canh, định cư lâu quá, giờ được nhận đất thì quá nhiều bất cập, người dân chúng tôi phải tìm đường làm ăn thôi”. Và thực tế điều này đã xảy ra trong năm 2008 khi gần 100 hộ dân trong thôn đã di cư sang huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để phá rừng làm rẫy.

Có thể nói, nếu địa phương và chủ đầu tư không có những biện pháp ráo riết hơn nữa thì việc người dân không chịu nhận đất khu tái định canh, định cư và  nếu như Thủy điện Đồng Nai 3 tích được nước đúng thời điểm thông báo thì hơn 100 hộ dân còn lại rồi đây sẽ không biết “bơi” về đâu khi mà quyền lợi của họ không được đáp ứng chính đáng và tệ hại hơn là việc dự án phát điện phải chậm thêm một năm, tiêu tốn thêm tiền của nhà nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra./.

Phương Uyên

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load