Đại diện ngân hàng Xây Dựng (ngân hàng Đại Tín trước đây) tại tòa cho biết, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay (hơn 9.436 tỉ đồng) cho phía công ty Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Luật sư phía ngân hàng Xây Dựng cho rằng cáo buộc bà Phấn và đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 5.256 tỉ là không chính xác vì bà Phấn không phải là người có chức vụ quyền hạn trong ngân hàng Đại Tín nên không thể gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Ngân hàng không thiệt hại hơn 5.256 tỉ đồng?
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ họ hàng (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) thông qua mua bán cổ phần đã nắm giữ 84,92% vốn điều lệ của ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng).
Từ ngày 26/5/2010 đến ngày 12/2/2012, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (gọi tắt là nhóm Phương Trang) tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỉ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu với tổng số tiền trên số sách là hơn 16.486 tỉ đồng. Tính đến ngày 15/11/2017, nhóm Phương Trang còn dư nợ hơn 25.941 tỉ đồng gồm: Dư nợ gốc hơn 9.436 tỉ đồng và dư nợ lãi hơn 16.504 tỉ đồng.
Bà Hứa Thị Phấn (ảnh Dân trí)
Nhóm Phương Trang xác định, chỉ nhận được hơn 3.936 tỉ đồng trên tổng số hơn 9.436 tỉ đồng dư nợ gốc tại ngân hàng Đại Tín. Số tiền hơn 5.256 tỉ đồng còn lại, bà Phấn đã chỉ đạo các nhân viên ngân hàng thu – chi khống rút tiền của ngân hàng Đại Tín để đẩy số nợ này cho nhóm Phương Trang. Hành vi này của bà Phấn gây thiệt hại cho ngân hàng Xây Dựng hơn 5.256 tỉ đồng.
Liên quan đến số tiền này, tại tòa đại diện ngân hàng Xây Dựng cho rằng, cần xem xét lại cáo trạng về tội danh của bà Hứa Thị Phấn về việc cáo buộc bà Phấn và đồng phạm hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho nhóm Phương Trang 5.256 tỉ đồng. Lý do, ngân hàng Đại Tín đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho nhóm Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay. Từ thời điểm này, khách hàng vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và phát sinh nghĩa vụ trả nợ vay cho ngân hàng Xây Dựng và phải tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng tiền vay có hiệu quả theo mục đích vay trong hồ sơ vay vốn.
Phía ngân hàng Xây Dựng cũng cho biết, đến nay, liên quan đến 82 hợp đồng tín dụng này, không có cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng này bị kết luận là vi phạm quy định về cho vay. Cáo buộc ngân hàng Xây Dựng không giải ngân, giải ngân thiếu…cho nhóm Phương Trang là không có căn cứ.
"Chúng tôi cho rằng nhận định trên của các Cơ quan tố tụng cho rằng nhóm Công ty Phương Trang nhận không đầy đủ tiền giải ngân, loại bỏ một phần trách nhiệm trả nợ của Công ty Phương Trang, biến dư nợ này thành thiệt hại của ngân hàng Đại Tín là không chính xác, không đúng với diễn biến sự việc trên thực tế và trái với các quy định của pháp luật về ngân hàng", luật sư Nguyễn Xuân Anh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự) cho hay.
Còn về luật sư phía ngân hàng Xây Dựng cho rằng cáo buộc bà Phấn và đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín hơn 5.256 tỉ là không chính xác vì bà Phấn không phải là người có chức vụ quyền hạn trong ngân hàng Đại Tín nên không thể gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Nhiều số liệu nhận tiền từ nhóm Phương Trang
Liên quan đến khoản vay này, luật sư bảo vệ cho nhóm bà Phấn cũng cho rằng, phía ngân hàng Xây Dựng đã giải ngân đầy đủ số tiền hơn 9.436 tỉ đồng cho nhóm Phương Trang. Lí do, hồ sơ 82 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu 2.000 tỉ đồng đến nay chưa có trường hợp nào bị coi là giả mạo, bao gồm hồ sơ vay vốn, giấy ủy nhiệm chi, séc. Hơn nữa hồ sơ vay do nhóm Phương Trang lập đúng quy định, sau khi được giải ngân đều dùng nguồn tiền vay thông qua ủy nhiệm chi, séc. Tại phiên tòa, nhóm Phương Trang vẫn thừa nhận các giấy ủy nhiệm chi, séc đều do các công ty trong nhóm Phương Trang phát hành sau đó mới chuyển qua cho phía bà Phấn.
Hơn nữa, cáo trạng và lời khai của nhóm Phương Trang chỉ ghi nhận, đến nay, nhóm Phương Trang chỉ nhận được hơn 3.936 tỉ đồng trên tổng số hơn 9.436 tỉ đồng từ ngân hàng Xây Dựng. Tuy nhiên, tại văn bản số 15/CV-PT ngày 20/3/2012, người đứng đầu nhóm Phương Trang đã xác nhận tổng dư nợ tại ngân hàng Đại Tín là 4.523 tỉ đồng (không phải 3.936 tỉ đồng) và lãi hơn 1.059 tỉ đồng, nợ trái phiếu Trường Vỹ 132,8 tỉ đồng và lãi 38,62 tỉ đồng.
Luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng nhóm Phương Trang đã nhận đủ số tiền hơn 9000 tỉ đồng từ ngân hàng Xây dựng (Ảnh Dân trí)
Luật sư bảo vệ cho nhóm bà Phấn cũng chỉ rõ, theo sổ nhật kí quỹ của công ty Phương Trang, có trong hồ sơ vụ án thể hiện, công ty Phương Trang rút tiền từ ngân hàng Đại Tín từ 82 khoản vay với số tiền trên 8.500 tỉ đồng, nguồn từ ngân hàng Đại Tín là trên 9000 tỉ đồng chứ không phải chỉ có hơn 3.936 tỉ đồng. Luật sư cũng lấy ví dụ nhiều khoản vay của nhóm Phương Trang đã được giải ngân nhưng phía Phương Trang không thừa nhận. Tuy nhiên, tại sổ nhật kí quỹ của công ty Phương Trang đã ghi nhận số tiền này như:
Khoản vay 40 theo ngân hàng Xây Dựng cung cấp thể hiện, ngày 21/6/2011, công ty TNHH SGD BĐS Phương Trang vay tại ngân hàng Đại Tín, chi nhánh Sài Gòn số tiền 130 tỉ đồng; công ty CP ĐT XNK vay 200 tỉ đồng. Chứng từ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhận tiền mặt bằng sec. Tổng số tiền là 330 tỉ đã được thủ quỹ của công ty Phương Trang nhập vào ngày 21/6/2011 nhưng công ty Phương Trang cho rằng chỉ thực nhận 164 tỉ?!.
Khoản vay 45 ngày 15/7/2011, công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc phát sinh khoản vay 350 tỉ đồng tại ngân hàng Đại Tín, chi nhánh Sài Gòn. Sau khi được giải ngân khoản vay trên, công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc chuyển toàn bộ số tiền 350 tỉ đồng vào tài khoản của công ty CPVT và DVDL Phương Trang, sau đó chi hơn 313 tỉ đồng để tất toán khoản nợ vay 300 tỉ đồng của công ty CPTM và XD Hiếu Thành. Công ty Phương Trang cho rằng không nhận được đồng nào từ khoản vay 350 tỉ đồng này nhưng theo nhật ký quỹ của công ty Phương Trang đã cập nhật ngày 16/7/2011: Rút ngân hàng TrustBank-DLPT 300.000.000.000 đồng chi trả nợ gốc + lãi – Hiếu Thành: 300.000.000.000 đồng….
“Nếu xem lại từng những khoản vay như chúng tôi đã trình bày ở phần trên cho thấy, công ty Phương Trang có theo dõi đầy đủ các khoản nợ vay, thể hiện qua sổ sách nhật kí quỹ, vay khoản sau trả nợ cho khoản trước nhưng đã cố tình không biết, không nhận nợ của các khoản vay trong nhóm Phương Trang, đẩy trách nhiệm cho bà Hứa Thị Phấn cùng những người có liên quan với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng”, luật sư bào chữa cho nhóm bà Phấn cho hay.
Còn luật sư Trương Thị Minh Thơ (nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao), người bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn cho biết thêm, lời khai của ông Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang) có trong hồ sơ vụ án nêu rõ: “Do nhóm các công ty Phương Trang có mở sổ theo dõi thu chi riêng để tổng hợp thu chi của cả nhóm công ty (ngoài hệ thống sổ sách của từng công ty) để báo cáo cho những người là chủ sở hữu của các công ty này nắm. Trong đó, người đứng đầu là ông Nguyễn Hữu Luận”.
Luật sư Thơ cho rằng, lời khai của ông Phạm Đăng Quan phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Hữu Luận là: “Để theo dõi tình hình tài chính chung của cả nhóm công ty Phương Trang, tôi (Luận) có chỉ đạo bộ phận thủ quỹ cập nhật sổ theo dõi thu chi chung cho toàn bộ cả nhóm công ty Phương Trang. Sổ sách này theo dõi chung thu chi của cả nhóm công ty Phương Trang. Sau đó mới tách ra các khoản thu chi của từng công ty trong đó.. Tôi (Luận) chỉ chịu trách nhiệm đối với phần tiền đã nhập quỹ, ghi trên sổ sách thu chi của nhóm Phương Trang…”.
“Như vậy, đã thật rõ ràng, tính từ ngày 26/5/2010 cho đến ngày 21/3/2012, tổng số tiền nhóm Phương Trang rút ra từ ngân hàng Đại Tín đã ghi trong sổ thu chi của Phương Trang với số tiền hơn 9000 tỉ đồng, phù hợp với đoạn ghi âm, với lời khai của ông Luận (chủ tịch công ty Phương Trang) xác nhận “Tôi (Luận) chỉ chịu trách nhiệm đối với phần tiền đã nhập quỹ, ghi trên sổ sách thu chi của nhóm Phương Trang…”, luật sư Thơ cho hay.
Theo Nhóm PV điều tra/Tuoitrethudo.com.vn