Thứ sáu 27/12/2024 04:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Đã nhất tâm công đức xin đừng “tranh thủ” quảng cáo tại các công trình di tích lịch sử - văn hóa

15:43 | 08/08/2022

(Xây dựng) – Nhằm góp phần chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương đã linh hoạt huy động các nguồn đóng góp từ người dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “hạt sạn” khi nhiều doanh nghiệp “tranh thủ” quảng cáo tại các di tích lịch sử - văn hóa.

da nhat tam cong duc xin dung tranh thu quang cao tai cac cong trinh di tich lich su van hoa
Việc gắn thêm các biển thương hiệu, tên hiệu có thể làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng tại một số di tích.

Di tích là những chứng tích về sự biến động, thăng trầm của các thời kỳ lịch sử, là một tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, trong đời sống hiện đại, việc phát triển các di tích lịch sử - văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn lực kinh tế. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích này được xem là một nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Trong những năm qua, những chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể Nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là trong trong lĩnh vực bảo tồn giá trị di tích lịch sử – văn hóa luôn được quan tâm và đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, bên cạnh ngân sách Nhà nước thì các nguồn kinh phí dành cho các hoạt động này đã được các địa phương xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Xã hội hóa – là một chủ trương được Đảng và Nhà nước ta cho phép và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tham gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực di sản - văn hóa. Luật Di sản văn hóa thể hiện rõ những nội dung điều khoản quy định cụ thể như: Điều 57 - Nhà nước khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Điều 58 - Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gồm nhiều nguồn khác nhau, trong đó có “Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài” và Điều 61 cũng ghi rõ: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Có thể thấy, việc công đức, đóng góp kinh phí, hiện vật vào các di tích là một nghĩa cử tốt đẹp với tinh thần tự nguyện, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử của đất nước. Từ đó nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa uy nghi, bề thế đã được xây dựng, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống, điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế du lịch và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa thời gian qua vẫn còn có một số hạn chế, bất cập.

Theo TS. Trần Đức Nguyên - Phó trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Hiện nay, trên cả nước có hơn 10 nghìn di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng ở các cấp được trải trên khắp các địa phương; các di tích này lại luôn luôn chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, khí hậu cũng như nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự bền vững, luôn có nguy cơ bị xuống cấp. Vì vậy, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước không thể đảm bảo cho việc gìn giữ, trùng tu, tu bổ tất cả các di tích mà cần có sự chung tay của các bên nhất là từ phía cộng đồng, từ các cá nhân, đoàn thể.

Chia sẻ về một số bất cập, hạn chế trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, TS. Trần Đức Nguyên nhấn mạnh: Ở một số nơi, một số địa điểm di tích xuất hiện hiện tượng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tranh thủ việc đóng góp, công đức vào các di tích để quảng cáo các thương hiệu của mình. Theo ý kiến của cá nhân tôi, việc này cần có sự nhìn nhận đúng đắn.

da nhat tam cong duc xin dung tranh thu quang cao tai cac cong trinh di tich lich su van hoa
Việc tranh thủ đóng góp, công đức vào các điểm di tích - văn hóa công cộng để quảng cáo các thương hiệu đang gây ra những phản cảm tại nhiều khu di tích – văn hóa.

Trong lịch sử, việc cộng đồng tham gia bảo vệ, giữ gìn di tích, đặc biệt là các di tích gắn với tôn giáo, tín ngưỡng là hoạt động phổ biến tại các xóm làng, khu dân cư. Sự đóng góp của cộng đồng cho tu bổ di tích không ít hơn sự đầu tư của chính quyền. Những hành động tốt đẹp ấy được duy trì trong các điều kiện lịch sử khác nhau và được ghi lại cụ thể trên các di vật có trong các di tích như bia đá, chuông, khánh, hoành phi, câu đối…Trong đó, nhiều nhất là được ghi trên bia đá. Các tấm bia ghi lại sự đóng góp tiền của, công sức của những người hảo tâm vào việc tu bổ di tích tùy từng loại hình thì có những tên gọi khác nhau như bia Hậu Thần, bia Hậu Phật, bia Hậu Hiền…

Hiện nay, nhiều văn bản pháp quy trong lĩnh vực di sản văn hóa đã quy định về vấn đề “giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích”, bên cạnh đó, các hoạt động trong khu vực của di tích cũng không làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm cũng như “yếu tố thiêng” của di tích. Do vậy, TS. Trần Đức Nguyên - Phó trưởng Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Việc đưa vào di tích các đồ thờ, hiện vật...có gắn thêm các biển thương hiệu, tên hiệu có thể làm ảnh hưởng đến không gian linh thiêng tại một số di tích – nếu các biển thương hiệu được làm quá lớn, hoặc làm màu mè sặc sỡ nhằm thu hút sự chú ý. Vì vậy, các đồ thờ, đồ vật được công đức đưa vào di tích nếu có ghi danh cá nhân hoặc thương hiệu công ty thì cũng phải ở mức độ khiêm tốn, không được choán nhiều diện tích hoặc quá phô trương.

“Thời xưa, việc ghi tên, địa chỉ của những người phát tâm công đức lên các đồ thờ như hoành phi câu đối, chuông, nhang án... chúng ta vẫn thấy tại các di tích được gọi là lạc khoản. Tuy nhiên, các dòng lạc khoản này thường rất nhỏ, không làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm trang trọng của các đồ thờ, hiện vật... cho dù hiện vật hay đồ thờ đó được công đức từ một vị quan rất lớn trong triều đình. Ngày nay chúng ta cũng nên học theo truyền thống của cha ông ta” – TS. Trần Đức Nguyên chia sẻ thêm.

Có thể nói, việc đóng góp tiền của, vật chất cho các di tích nhằm giữ gìn, bảo vệ, làm cho các di tích khang trang hơn, hoàn hảo hơn là một nét truyền thống, nghĩa cử cao đẹp có từ nhiều đời nay của người dân Việt Nam. Vì thế, cần phát huy và duy trì, tránh làm sai lệch, mất đi nét đẹp vốn có của việc phát tâm công đức. Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi về với các di tích lịch sử - văn hóa, hãy thắp một nén hương thơm hay dâng một lễ vật bằng đúng cái tâm của chính mình.

Tiến Hào – Duy Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load