Vào năm 1970, Steve Ferendo, nhân viên công ty bảo trì thiết bị cơ giới hạng nặng số 156 của Mỹ đã chụp lại nhiều bức ảnh về sống động về Đà Nẵng.
Đường phố Đà Nẵng năm 1970. Tháng 3/1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng nơi đây thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Khu kỹ nghệ Hòa Khánh sản xuất oxygen, acetylene, bột giặt, xay xát, dệt... ở thời kỳ này công nghiệp được phát triển ở mức độ cao hơn: các khu kỹ nghệ thay thế cho công trường thủ công.
Đường phố Đà Nẵng vào buổi trưa. Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.
Một nhà hàng nổi ở bên bờ Sông Hàn. Dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người Đà Nẵng, cũng là chứng nhân của những đổi thay ở thành phố trẻ trung và đầy năng động, đang từng ngày phát triển.
Một quán nước bên bờ sông Hàn. Sông Hàn khiến bao du khách đến với thành phố này cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ gặp lại.
Làng quê Đà Nẵng năm 1970. Cũng như bao làng quê khác, Đà Nẵng trong chiến tranh vẫn giữ được nét đẹp của một miền quê yên ả với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những hàng tre rợp bóng trên đường làng, những nếp nhà cổ rêu phong xưa cũ… Ngoài ra, Đà Nẵng còn có hai làng cổ mà mãi đến ngày nay vẫn còn được giữ khá nguyên trạng. Những làng cổ này đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc xưa như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ.
Cánh đồng mùa cấy ở huyện Hòa Vang năm xưa. Còn gì tuyệt hơn khi ngồi thư thái dưới lũy tre làng, thoang thoảng đâu đó mùi hương lúa nếp hay nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ nơi bến sông rồi đắm mình trong không gian đồng quê yên tĩnh, như một bức tranh với dòng sông, bến nước, và những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đà Nẵng. Từ năm 1965, nơi đây đã trở thành địa bàn triển khai các cứ điểm quân sự mạnh của Mỹ ngụy trong kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành khu liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung. Có lúc chúng tập trung tới 6.000 quân với đủ các loại lính: thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh cơ giới… Đi liền theo đó là một hệ thống dày đặc các đồn bốt, trạm gác, cơ sở thông tin, trại huấn luyện quân sự… với trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, chúng còn xây dựng ở Nước Mặn một sân bay quận sự chiến thuật nhằm giảm tải cho sân bay Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu ngày càng mở rộng của cuộc chiến tranh.
Làng quê Đà Nẵng nhìn từ đỉnh núi Ngũ Hành Sơn. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về hướng Đông Nam. Ngũ Hành Sơn bao gồm 6 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hoả Sơn và Thổ Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ (Ngũ hành). Trong lòng núi có nhiều hang động đẹp và nhiều chùa chiền. Dưới chân núi còn có làng nghề đá Non Nước nổi tiếng. Bên cạnh là bãi biển Non Nước còn khá hoang sơ.
Sân bay Đà Nẵng. Sân bay được xây dựng từ năm 1940. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam cho đến 1975 sân bay Đà Nẵng là căn cứ không quân của quân đội Mĩ và Không lực Việt Nam Cộng hòa.
Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng từ năm 1970.
Một di tích trên Hải Vân Quan. Từ xưa, Hải Vân Quan vừa là trạm trung chuyển, điểm dừng chân, trên con đường thiên lý Bắc-Nam; vừa là cửa ngõ phía Nam của nước Đại Nam; hiện tại là cột mốc ranh giới tự nhiên phân định giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Bởi vậy, nơi đây chứng kiến mồ hôi, nước mắt và cả máu xương các thế hệ người Việt Nam. Từ những danh tướng "mang gươm đi mở cõi" khơi nguồn cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dải đất hình chữ S; đến những người dân nghèo vì hoàn cảnh khó khăn phải "tha phương cầu thực", trong đó, không ít người phải bỏ mạng khi sức cùng lực kiệt, lương thực dự trữ không còn. Họ không kịp quay về phương Bắc, vái lạy tổ tiên, xác nằm lại bên đường, hoặc phơi cùng mưa nắng... Chính họ đã làm nên những huyền tích trên đỉnh Hải Vân.
Không chỉ thế, Hải Vân Quan còn nằm trên một địa thế khá lý tưởng, khí hậu mát mẻ quanh năm, là chốn "thiên cảnh bồng lai", một bên là núi với sương trắng bao phủ quanh năm, bên kia là biển nước sâu mênh mông hiền hòa trong ánh nắng vàng.
Căn cứ quân sự của Mỹ tại Đà Nẵng.
Cảnh hoàng hôn ở Đà Nẵng năm 1970 dưới ống kính của người Mỹ. Từ xưa, Đà Nẵng được biết đến như một thành phố du lịch có những bờ biển dài tuyệt đẹp. Những bờ biển cũng là nơi khiến cho cảnh hoàng hôn trở nên hùng vĩ và mê hồn đến kinh ngạc. Và hoàng hôn tại Đà Nẵng cũng đã làm say mê biết bao con người. Hoàng hôn luôn là đề tài quyến rũ đối với các nhiếp ảnh gia. Đặc biệt ở các vùng biển, hoàng hôn càng có sức hút mê hồn. Trong thời gian tại Đà Nẵng, Steve đã ghi lại cảnh đẹp mê hồn này.
(*) Tiêu đề đã được baoxaydung.com.vn đặt lại
Theo zing.vn
Theo