TP. Đà Nẵng kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép.
Hội nghị tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Tại Hội nghị tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn thành phố do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức chiều 27/9, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, cho biết qua rà soát, toàn thành phố có 299 dự án, gồm 1.377 khu đất với diện tích 826,9 ha.
Theo ông Chương, những năm qua, công tác quản lý về đất đai trên địa bàn thành phố đã bám sát và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đã được công khai thời gian qua, cho thấy chỉ số thành phần "Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất" của thành phố đã tiếp tục giảm so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, liên quan gián tiếp lĩnh vực đất đai có các chỉ số nội dung "Công khai, minh bạch" với nội dung thành phần "Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá trị bồi thường thu hồi đất" thấp hơn nhiều so điểm trung vị cả nước là 3,43 điểm.
Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá giao quyền sử dụng đất và cho thuê quỹ đất ngắn hạn của thành phố chưa được triển khai mạnh mẽ để quản lý tốt đất đai trong thời gian chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Vẫn còn tình trạng lấn, chiếm đất, cho thuê, cho thuê lại trái pháp luật, nhiều khu đất trở thành vị trí tập kết rác thải tự phát của các hộ dân lân cận gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Một trong những hạn chế lớn là việc chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, dẫn đến tình trạng chuyển đơn, hướng dẫn lòng vòng, mất nhiều thời gian của người dân.
Tại Hội nghị, Sở TN&MT đề nghị thành phố cần tập trung tối đa nguồn lực để xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Kết luận số 77- KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị đối với Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" để khơi thông nguồn lực, nhằm triển khai hiệu quả lợi thế và tiềm năng về đất đai của thành phố, hướng đến các nguồn lực mới, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển thành phố.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đại diện các sở, đơn vị, địa phương cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý về đất đai và tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ vụ phát triển kinh tế-xã hội như: giải pháp cho thuê tạm quỹ đất công trong thời gian ngắn hạn (khoảng 5-10 năm) để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội kết hợp bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả quỹ đất tái định cư; yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản, khu đô thị triển khai đầu tư hạ tầng xã hội theo quy hoạch…
Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp UBND các phường, xã ra quân dọn dẹp mặt bằng đất công bị lấn chiếm. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, để tăng cường công tác quản lý đất đai một cách hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các sở, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan.
Trong đó, lưu ý xây dựng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật đất đai 2024 và triển khai phổ biến Luật đất đai; triển khai hiệu quả Luật đất đai 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024) và các Nghị định liên quan.
Các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép; đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không để bất kỳ trường hợp vi phạm nào bị bỏ qua mà không có biện pháp xử lý thích đáng.
Rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ và các bản án liên quan đến đất đai. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý quỹ đất bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tăng cường công tác quản lý đối với các khu đất trống, đất công để tránh lãng phí và vi phạm pháp luật.
Theo Minh Trang/BaoChinhphu.vn