(Xây dựng) - Ngày 10/11, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tổ chức chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 3. Nhiều cử tri đã bày tỏ ý kiến liên quan đến vấn đề ngập và chống ngập tại thành phố sau trận lụt lịch sử ngày 14/10 vừa qua.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng trả lời trước cử tri về các giải pháp thoát nước cho đô thị Đà Nẵng. |
Trả lời trước cử tri về những nguyên nhân ngập của trận mưa lịch sử vừa qua, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Lượng mưa xảy ra vào ngày 14/10/2022 quá lớn và triều cường cao. Theo số liệu thống kế hiện có thì trận mưa vào ngày 14/10/2022 vừa qua chưa từng xuất hiện trong lịch sử tại thành phố Đà Nẵng, một số chuyên gia về thủy văn đánh giá đây là lượng mưa có tần suất xuất hiện 500 năm, hơn nữa, lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường, đạt đỉnh 1,4m vào lúc 23h00 nên ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thoát nước của đô thị Đà Nẵng.
Về thực trạng hệ thống thoát nước của Đà Nẵng hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Khu vực này phần lớn, hệ thống thoát nước được xây dựng đã quá lâu và hiện đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm và sau này xây bằng đá hộc, đã bị sụt lở, tắc nghẽn.
Hiện nay, hầu hết cống thoát nước hiện trạng cũng như các dự án thoát nước của thành phố đã, đang được đầu tư theo quy hoạch chuyên ngành thoát nước theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, các tuyến kênh, cống thoát nước đều được tính toán thiết kế với chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán là 10 năm, 05 năm và 02 năm. Quy hoạch chuyên ngành thoát nước do Liên danh tư vấn CDM và Oriental - Hòa Kỳ thực hiện, tính toán bằng mô hình thủy lực MIKE.
Với cường độ trận mưa như ngày 14/10/2022 thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng được dẫn đến ngập trên diện rộng, chưa kể cùng thời điểm này, mực nước sông Cẩm Lệ và sông Hàn dâng cao, gây ảnh hưởng khá lớn đến chế độ tự chảy của hệ thống thoát nước. Mặc dù ngập úng sâu, tuy nhiên nước rút nhanh sau thời gian ngắn khoảng 01 giờ và phần lớn các tuyến đường giao thông được thông tuyến, chỉ duy trì ngập một số điểm cục bộ do khớp nối cống, cũng như công tác duy tu bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn nhiều bất cập, chồng chéo như hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước. Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hoà gây tắc nghẽn dòng chảy. Xe tải trọng nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước…
Các khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp trước đây không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng như tại phường Hòa Khánh Nam vừa qua.
Nguyên nhân ngập còn do công tác đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng chưa thật sự hợp lý. Vị trí xây dựng các công trình thoát nước chưa thật sự hợp lý, một số trạm điện đặt vị trí thấp, gần biển, dễ ảnh hưởng đến khả năng vận hành hệ thống. Chưa thật sự chủ động trong việc rà soát, nạo vét cống thoát nước bảo đảm tính kịp thời.
Đối với giải pháp để xử lý vấn đề thoát nước đô thị trong thời gian tới, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Hiện Sở Xây dựng đang đề xuất các giải pháp xử lý. Đối với giải pháp tạm thời sẽ tập trung nguồn lực bố trí kinh phí cho công tác nạo vét cống thoát nước gắn liền với việc giám sát của cộng đồng dân cư, bảo đảm hệ thống cống thoát nước phải được thông suốt nhằm phát huy tối đa năng lực hiện có. Khẩn trương tiến hành khảo sát toàn bộ các bất cập hiện nay về hệ thống cống thoát nước, đặc biệt tại khu vực đô thị cũ có khẩu độ cống, cao trình, khớp nối, cửa thu nước… và đề xuất phương án cải tạo phù hợp. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân không bịt cửa thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước.
Trận mưa lịch sử ngày 14/10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng đối với người dân Đà Nẵng. |
Về giải pháp căn cơ, lâu dài sẽ lưu ý trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian tới theo hướng ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa nhằm tăng khẩu độ cống thoát nước. Do hiện nay lưu vực sân bay có diện tích khá lớn và rất khó kiểm soát về hướng thoát nước, dẫn đến bị động trong công tác ứng phó ngập úng. Để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến khu vực đô thị trung tâm, UBND thành phố sẽ làm việc với Sư đoàn 372 để đề nghị nạo vét, nghiên cứu cải tạo mở rộng và xây dựng mới các hồ điều hòa trong phạm vi sân bay. Đồng thời xây dựng phương án điều tiết nước tại các hồ điều hòa để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước thành phố.
Nguyễn Nam
Theo