(Xây dựng) - Cùng với các trường đào tạo chuyên nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hội nghề nghiệp cũng đang chủ động tham gia sâu vào công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng, trong đó có đào tạo nghề.
Đội ngũ kỹ thuật và công nhân lành nghề là tài sản quan trọng của doanh nghiệp xây lắp. |
Doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tập đoàn lớn trong lĩnh vực thầu xây dựng tại Việt Nam. Hiện Hòa Bình đang tham gia thi công xây dựng tại 47/63 tỉnh, thành và 5 quốc gia (Cambodia, Malaysia, Myanmar, Kuwait và Canada), với trung bình khoảng 80 công trình/năm.
Bên cạnh lĩnh vực chính là thi công xây lắp, Hòa Bình đồng thời mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu, dịch vụ trong ngành Xây dựng, bất động sản... Hòa Bình đang hướng đến mục tiêu trở thành một tập đoàn kinh tế uy tín và đẳng cấp quốc tế, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nhà ở cao tầng. Chính vì vậy, Hòa Bình có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực trong hiện tại và tương lai.
Theo số liệu năm 2019, Hòa Bình có khoảng 29.000 người lao động, trong đó, cán bộ quản lý, đội ngũ gián tiếp khoảng 3.800 người (chiếm 13%), công nhân cơ hữu khoảng 4.000 người (14%) và công nhân thầu phụ khoảng 21 nghìn người (73%). Tức là công nhân nghề chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu lao động của Hòa Bình.
Để chủ động nguồn nhân lực, Hòa Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia các khóa học nội bộ và bên ngoài nhằm giúp người lao động được bồi dưỡng phát triển kỹ năng làm việc, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề và phát huy khả năng sáng tạo trong công việc.
Đặc biệt, Hòa Bình đã và đang chủ động tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề. Đơn cử, hồi tháng 3/2020, Hòa Bình đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc phát triển nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho Tập đoàn nói riêng và ngành Xây dựng nói chung.
Với khoảng 10 nội dung hợp tác, 2 bên thỏa thuận cùng tập trung phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy gắn kết và tham gia của Tập đoàn Hòa Bình vào các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp…
Tiếp đó, hồi tháng 6/2020, Hòa Bình ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội về việc triển khai, thực hiện mô hình kết hợp giữa đào tạo nghề tại nhà trường gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp...
Không riêng Tập đoàn Hòa Bình, các nhà thầu tên tuổi truyền thống trong ngành Xây dựng như Sông Đà, Vinaconex, Lilama hay các thương hiệu mạnh như Coteccons, Delta, Newteccons… cũng đều có những chính sách thu hút, giữ chân và đào tạo nguồn nhân lực của riêng mình. Thậm chí, các doanh nghiệp truyền thống còn sở hữu các trường đào tạo nghề có tuổi đời lên đến vài chục năm.
Hiệp hội nghề nghiệp vào cuộc
Lý giải về việc các doanh nghiệp ngày càng chủ động tham gia đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định: Cùng với sự phát triển của đất nước, của ngành Xây dựng, các nhà thầu Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn ra thắng thầu ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố nguồn vốn, trang thiết bị và công nghệ, các doanh nghiệp xây dựng ngày càng tập trung hơn vào yếu tố con người.
Những doanh nghiệp lớn đều xác định đội ngũ kỹ thuật và công nhân lành nghề chính là một trong những lợi thế cạnh tranh, nên họ đầu tư rất bài bản cho đội ngũ này. Nhiều doanh nghiệp xây dựng còn dành một nguồn lực để đầu tư cho công nhân tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác với nước ngoài về đào tạo nhân lực.
Về phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Hiệp cho biết, Hiệp hội đang nghiên cứu khả năng hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở của các doanh nghiệp trong Hiệp hội, hướng tới đào tạo dựa trên nhu cầu thực tế của từng doanh nghiệp.
Và như một cách cùng tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong tháng 12/2020, Hiệp hội chủ trì tổ chức Hội thi Thợ giỏi ngành Xây dựng năm 2020, nhằm tôn vinh giá trị của người thợ Xây dựng Việt Nam, cũng như khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành Xây dựng trong sự nghiệp phát triển đất nước…
Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo nghề.
Cùng với sự phát triển của ngành Xây dựng, các nhà thầu Việt Nam ngày càng lớn mạnh. |
Theo ông Trường, sự tham gia nói trên phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đó là “Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà” là Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật”...
“Đề cao kỹ năng, năng lực hành nghề, từ đó nâng cao giá trị của người lao động chính là một cách đổi mới giáo dục nhanh và hiệu quả nhất, góp phần giảm dần “tư duy bằng cấp” trong xã hội” – Ông Nguyễn Chí Trường nhận định.
Quý Anh
Theo