Thứ sáu 13/12/2024 02:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Cựu Tổng Giám đốc và cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 bị đề nghị 9-10 năm tù

18:15 | 07/06/2023

Đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên buộc hai bị cáo Dũng và Lai phải liên đới bồi thường cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng tiền thiệt hại.

Cựu Tổng Giám đốc và cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 bị đề nghị 9-10 năm tù
Bị cáo Phạm Dũng trình bày tại phiên xét hỏi chiều 6/6. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Sau hơn một ngày xét xử, chiều 7/6, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo.

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 7 bị cáo các mức án gồm Cấn Hồng Lai (sinh năm 1955, cựu Tổng Giám đốc Cienco 1) và Phạm Dũng (sinh năm 1961, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1) cùng bị đề nghị từ 9-10 năm tù; Lê Văn Long (sinh năm 1970, cựu Kế toán trưởng Cienco 1) từ 4-5 năm tù; Nguyễn Thị Bích Hạnh (sinh năm 1971, Phó trưởng phòng Tài chính kế toán Cienco 1 - Công ty cổ phần), Nguyễn Mạnh Tiến (sinh năm 1971, cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Cienco 1 - Công ty cổ phần) đều bị đề nghị từ 36-42 tháng tù; Nguyễn Ngọc Tuyến (sinh năm 1980, cựu kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C - Chi nhánh Hà Nội, nay là Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hãng kiểm toán và định giá ASCO) và Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1973, Phó trưởng phòng Kiểm toán 3, thẩm định viên Công ty kiểm toán A&C, chi nhánh Hà Nội) đều bị đề nghị từ 24-30 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận sự thỏa thuận, thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Cienco1 - Công ty cổ phần tại biên bản họp ngày 30/3/2023 về việc bàn giao khoản nợ hơn gần 185 tỷ đồng, hoàn trả cho Nhà nước số tiền đã thu hồi được từ khoản nợ này.

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên buộc hai bị cáo Dũng và Lai phải liên đới bồi thường cho Nhà nước hơn 54,7 tỷ đồng tiền thiệt hại do không xác định giá trị thực tế quyền sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa 4 khu đất.

Bản luận tội nêu rõ hành vi của các bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Bích Hạnh đã vi phạm các quy định tại: Điều 15 - Nghị định số 59/2011 ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Thông tư số 202 ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, Thông tư số 228/2009 ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và xử lý cá khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi.

Còn hành vi của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Trần Ngọc Tuyến đã vi phạm các quy định của Luật Giá 2012, Tiêu chuẩn thẩm định giá…

Công tố viên nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước gần 240 tỷ đồng là đặc biệt nghiêm trọng. Cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong đó, bị cáo Phạm Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa, là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo và tổ chức thực hiện cổ phần hóa Cienco 1.

Quá trình chủ trì, tổ chức các cuộc họp liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định phương án cổ phần hóa, bị cáo Dũng đã không đưa nội dung về việc xử lý khoản nợ gần 185 tỷ đồng để yêu cầu đối chiếu, đưa khoản nợ này vào giá trị doanh nghiệp.

Trong việc xác định giá trị thực tế quyền sử dụng 4 khu đất, bị cáo Dũng không chỉ đạo lập phương án sử dụng đất, xác định lại giá trị tài sản để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoặc thu hồi tiền chênh lệch cho Nhà nước.

Tuy nhiên, xét bị cáo Dũng và các bị cáo khác có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… nên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa cân nhắc cho các bị cáo trong vụ án được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, các luật sư bào chữa và các bị cáo đã tham gia tranh luận, trình bày các luận điểm, luận cứ nhằm gỡ tội cho các bị cáo./.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load