Thứ ba 24/12/2024 10:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

19:26 | 17/08/2024

(Xây dựng) - Từ ngoài mùng tháng Bảy âm lịch, không khí làm việc và sinh sống hàng ngày của các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Cao Bằng đã thấy hối hả khác biệt. Năm nay, rằm tháng Bảy mùa Vu lan báo hiếu rơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Từ sáng sớm thứ 6 ngày 13/7 âm lịch dù vẫn đang ngày làm việc nhưng ghi nhận chung của người dân là cuộc sống sinh hoạt đời thường thay đổi đáng kể.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng
Toàn cảnh phiên chợ Bình Nguyên.

Nhiều hàng quán đóng cửa vì không có nhân viên phục vụ. Chị Oanh, chủ doanh nghiệp kinh doanh thức ăn gia súc cho biết, công ty chị có hơn 10 lao động nhưng ngày hôm nay gần như mọi người chẳng ai còn tâm trạng để tập trung cho công việc. Ai cũng muốn nghỉ sớm về lo Tết lễ.

Còn anh Dũng, Phó Giám đốc một ngân hàng có chi nhánh ở Cao Bằng cho biết, đến 18h chiều thứ 6 anh còn ký những chứng từ giải ngân cho vay để các doanh nghiệp lấy tiền trả lương cho người lao động về quê lễ “pây tái” và Vu lan báo hiếu.

Lễ “pây tái” là gì? Cũng như ở dưới xuôi, người Kinh có tục lệ làm cơm cúng lễ cho gia tiên trong mùa Vu lan bắt đầu từ tháng Bảy đến hết rằm, không kể ngày nào cứ thu xếp được thời gian là tranh thủ làm cơm cúng.

Tuy nhiên cũng mang ý nghĩa đó, theo phong tục của đồng bào người Tày và người Nùng phía Bắc, mùa báo hiếu được nâng lên một cấp độ nữa giống như một đặc quyền cho người phụ nữ đã xuất giá tòng phu trong gia đình. Mỗi năm 1 lần vào ngày 14/7 âm lịch, người phụ nữ đã có gia đình sẽ cùng chồng được đường đường chính chính “pây tái” - theo tiếng Việt là “trở về nhà ngoại” lễ cha mẹ vợ. Lễ vật mang theo bắt buộc phải có đôi con vịt béo - cũng là món chính trong dịp lễ vu lan của đồng bào. Nếu cha mẹ vợ đã khuất núi thì lễ vật được mang đến nhà có nơi thờ tự họ để làm cơm canh cúng, thường đó là nhà người con trai trưởng.

Nhà chị Nông Thị Oanh, dân tộc Tày trú tại tổ 8 phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng cũng vậy. Chị Oanh có 3 người anh trai sống xung quanh gần nhà mẹ đẻ, bố chị mất đã nhiều năm. Dịp rằm tháng Bảy này, dù bận rộn đến đâu chị cũng ưu tiên lớn cho việc sắm lễ vật thực hiện tục “pây tái”.

Tôi hỏi: “Rằm tháng 7 mà mẹ chị có tới 5 người con chắc tụ tập đông lắm?” Chị Oanh cười lớn: “Ôi có mỗi vợ chồng chị về với bà thôi. Các chị dâu cùng anh trai mình cũng “pây tái” nhà họ chứ em”.

Để cảm nhận rõ hơn không khí của lễ “pây tái” và mùa Vu lan báo hiếu trên quê hương Việt Bắc chiến khu cách mạng, chúng tôi hòa mình vào không khí phiên chợ thị trấn vùng cao trung tâm huyện Nguyên Bình.

Toàn tỉnh Cao Bằng có 5 chợ vùng cao, mỗi chợ họp 1 tháng 6 phiên trong đó chợ Nguyên Bình (thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) họp vào các ngày liên quan đến số 3 và 8 trong tháng âm lịch. Và ngày 13/7 âm lịch rơi vào phiên họp chợ Nguyên Bình.

Từ tờ mờ sáng bà con các thôn bản trong vùng vượt qua vài chục cây số đổ về chợ mang theo các nông sản địa phương rất phong phú. Cơn mưa lớn đêm qua để lại hậu quả một vài đoạn đường xuống chợ sạt lở đất, nền chợ ướt nhớp nháp và bẩn… không làm chùn những bước chân hối hả, háo hức.

Phiên chợ hôm nay vào dịp lễ quan trọng nên sức mua và lượng người tham gia tăng mạnh.

Bây giờ chợ phiên vùng cao không nhiều sắc màu nổi bật như trước vì trang phục của đồng bào cũng đơn giản hóa như người Kinh, có chăng còn giữ lại một vài chi tiết phụ kiện như điểm nhấn: Chiếc khăn tam giác đội trên đầu đặc trưng người Dao; Chiếc địu lưng thêu tay sặc sỡ…

7h sáng, các hàng ăn trong chợ đông nghịt người. Chúng tôi chật vật mãi mới có được chiếc bàn trong quán phở vịt, phở lợn quay to nhất chợ. Xung quanh các hàng quà cũng đông không kém: Hàng bánh bò đặc sản Cao Bằng, bánh gai, hàng chè đậu xanh…

Náo nhiệt nhất là khu hàng vịt - món không thể thiếu trong các gia đình dịp này. Một phụ nữ đi chợ cho biết giá đôi vịt to ngon nhất hôm nay lên tới 550.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ có giá khoảng dưới 400.000 đồng. Mặc dù giá có dao động chút nhưng cảm nhận người bán người mua đều rất hối hả, vui tươi.

Không thể không hối hả bởi dù đông cỡ nào đi nữa cũng chỉ 8h30 lượng người vãn rất nhanh. Nông thổ sản cũng giao dịch xong và ai cũng phấn khởi ra về với những chiến lợi phẩm mua sắm được.

Cuộc sống đơn giản cứ thế diễn ra. Ngày mai 14/7 âm lịch, người ta dự kiến những ngả đường về các xã, các huyện sẽ vô cùng đông đúc bởi người từ thành phố đổ về quê ăn Tết “pây tái”.

Nếu bạn là khách bộ hành từ nơi khác đến Cao Bằng dịp này, hãy chủ động mua và mang theo đồ ăn thực phẩm trong hành trình di chuyển bởi chắc chắn không có hàng quán nào mở để phục vụ bạn ở các huyện thị vùng cao trong mấy ngày này đâu.

Những hình ảnh phiên chợ rằm tháng Bảy vùng cao Nguyên Bình - Cao Bằng:

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Phố thị vùng cao nhộn nhịp đông đúc.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Niềm vui của người đàn ông mua được cặp vịt béo.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Em bé vùng cao theo người lớn xuống chợ.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Chị Nông Thị Oanh, thành phố Cao Bằng đưa mẹ đi chợ phiên Bình Nguyên.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Nhộn nhịp mua bán.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Người đàn ông mang măng khô nhà tự phơi xuống chợ bán.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Niềm vui xuống chợ.

Cúng rằm tháng Bảy và tục “pây tái” của đồng bào dân tộc ở Cao Bằng

Thức quà phiên chợ vùng cao.

Diên Dương (Ảnh: Trường Hùng)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load