Văn minh và hiện đại, nhiều hầm bộ hành ở Hà Nội được xây dựng với kinh phí hàng chục tỉ đồng, nhưng hầu hết chúng đều không phát huy được công năng của mình.
Hoang vắng hầm bộ hành
Hầm bộ hành Phạm Hùng, đoạn gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia có 8 cửa hầm thì 4 cửa đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, những cửa hầm này được chăng bạt kín mít như những lô cốt nên ít ai để ý. Những tấm bạt được gỡ ra, dễ nhìn thấy những vạt tường bao quanh lối xuống đã tróc lở, lộ ra cả lớp xi măng và gạch, cỏ dại thi nhau mọc trước cửa hầm. Dù hầm bộ hành Phạm Hùng đã đưa vào hoạt động gần 3 năm, không ít cửa hầm vẫn… bị khóa như cản bước chân người đi bộ. Sau cánh cửa sắt của một trong nhiều hầm bị khóa, một chiếc giường cá nhân, vài bộ quần áo không rõ của ai chễm chệ trên nền hầm nước ngập lõng bõng, gạch đá ngổn ngang. Tương tự thế, cửa hầm Phạm Hùng (đoạn gần Bệnh viện Đông y) cũng biến thành chốn đi về của một người sửa xe máy với đầy đủ ban thờ, giường tủ, ti vi….
Bên trong những cửa hầm mở, hầm bộ hành Phạm Hùng khá sạch sẽ, bố trí đèn sáng sủa, nhưng gần như không nhiều người đi lắm. Không thấy có camera theo dõi ở các đường hầm này, chỉ thấy thấp thoáng bóng bảo vệ đi tuần tra. Xuống hầm vào giờ tan tầm, nhưng ngoài chúng tôi chỉ có một nhóm hơn chục học sinh và một vài bác đứng tuổi. Mấy cô cậu học sinh hứng chí gào lên, chạy đuổi nhau huỳnh huỵch. Vị khách đứng tuổi hốt hoảng rảo bước thật nhanh lên cửa hầm. Khi chúng tôi đến bắt chuyện, bác chia sẻ: “Tôi thường sang đường qua hầm để tránh xe cộ nhưng thỉnh thoảng cũng thấy bất an. Tôi thường chờ đông người mới dám xuống.”
Hầm bộ hành Ngã Tư Sở cũng rơi vào tình trạng tương tự: xây rồi, nhưng không phát huy được tác dụng. Khảo sát hầm bộ hành này trong nhiều ngày, ở nhiều cung giờ khác nhau, chúng tôi nhận thấy, “khách quen” tới đây đa phần là người dân ở khu vực lân cận đi tập thể dục. Họ thường đi theo tốp 7 - 10 người. Hoạ hoằn lắm mới thấy người cần sang đường xuống hầm. Nhiều học sinh đi xe đạp cũng thường vào hầm, nhưng để… chơi và để đua xe hơn là để sang đường. 17h30, giờ tan tầm, nhưng hầm bộ chỉ có khoảng 20 người, cả khách vãng lai và người đi tập thể dục. Những giờ khác, hầm bộ này còn… ế ẩm hơn. Sau 20h, hầu như không ai bước chân xuống hầm.
Vì sao vắng người đi?
Hầm bộ hành Phạm Hùng không có camera hay bảo vệ hầm. Thêm vào đó, sự xuống cấp của công trình này khiến người đi đường… ớn lạnh. Đó là chưa kể đến mấy anh xe ôm và mấy hàng nước luôn thường trực trước những cửa hầm khiến người ta ái ngại, có cảm giác không an toàn. Người dân vẫn chưa bỏ được thói quen băng ngang qua đường cho tiện, dù nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Bạn Dương Thị Vy Anh, một sinh viên đang sang đường bằng cách “truyền thống” cho chúng tôi biết, bạn không xuống hầm vì tưởng hầm chưa xây dựng xong (?), lại thấy mùi xú uế xộc lên nồng nặc nên ngại.
Hầm Ngã Tư Sở lại lắm chuyện hơn. Những người đã đi bộ xuống hầm thường phàn nàn vì biển hướng dẫn lối đi khá rắc rối. Chị Hà (Hà Đông) muốn lên đường Nguyễn Trãi nhưng sau một hồi lòng vòng lại chui lên ở Trường Chinh, lại phải quay xuống hầm hỏi đường. Ở hầm này, dù hệ thống camera và đèn chiếu sáng khá tốt, nhưng hi hữu mới thấy nhân viên bảo vệ, nên những người đi hầm thường phải hỏi đường lẫn nhau. Anh Trần Minh Dũng, một sinh viên du học ở Trung Quốc đang đi trong hầm cho biết “Ở nước ngoài, tôi thường đi hầm bộ. Hệ thống thông gió và cách âm của họ rất tốt. Điện thoại của tôi cũng không bị mất sóng khi ở trong hầm. Những điều này ở hầm Ngã Tư Sở chưa tốt bằng”. Lối thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp cũng không có trong thiết kế hầm bộ này. Đó là những lý do khách quan khiến hầm Ngã Tư Sở dù có vốn đầu tư lớn, và thiết kế hiện đại vẫn không thu hút được nhiều khách bộ hành.
Cũng nên nói thêm, ý thức phải qua đường bằng hầm chui của người đi bộ chưa cao. Mỗi ngày, hàng trăm người vẫn băng ngang qua đường mà không để ý đến hầm bộ hành dưới chân mình. Chị Thanh Huyền (phố Cự Lộc, Q. Thanh Xuân), một trong những người hay đi hầm bộ này cho biết: “Mọi người thường hưởng ứng cầu vượt bộ hành hơn hầm, vì nó có vẻ an toàn hơn. Khi chưa quen, mình cũng hơi sợ sợ, nhưng giờ thì bình thường rồi, không thích sang đường kiểu cũ nữa”.
Những công trình giao thông trọng điểm như hầm bộ Phạm Hùng, hầm bộ Ngã Tư Sở vẫn sáng đèn 24/24. Lượng điện năng tiêu thụ cho các công trình này và hàng chục tỷ đồng Nhà nước đã bỏ ra sẽ trở thành vô ích nếu chúng vẫn “neo người” qua lại. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và người dân cần có sự phối hợp để những công trình bạc tỷ không bị lãng phí hoặc bị sử dụng sai mục đích
Huyền Trang
Theo baoxaydung.com.vn