Thứ hai 09/12/2024 16:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Còn không, canh quan họ cổ?

08:56 | 13/02/2009


Quan họ cổ hát mộc không micro hiện không có nhiều ở Bắc Ninh.

Vậy nhưng, sẽ thật hiếm hoi cơ hội cho ai đó muốn thưởng thức trọn vẹn một canh quan họ cổ, theo đúng lề lối, trình tự và thời gian, cổ từ không gian diễn xướng cho đến trang phục, từ cách hát cho đến làn điệu…

Nhọc nhằn canh quan họ cổ thời mới

Theo chân nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, chúng tôi tìm về làng Đặng khi hội Lim đã vãn. Có mặt tại nhà chị Hai Quýnh từ năm giờ chiều, khách được chủ nhà ân cần tiếp đón, giản dị và thịnh tình.

Mâm cơm đãi khách phương xa có món canh riêu cua đậm đà và bánh chưng tiến vua của làng Đặng Xá vừa thơm bùi vừa thanh dịu. Chủ nhân mời rượu khách, hát câu quan họ thật đậm đà, trong trẻo làm cho khách phương xa thấy ấm áp.

Bảy giờ tối, chủ và khách lục tục kéo nhau ra chùa. Sau lễ dâng hương, thì đến phần biểu diễn của khách, gồm các nghệ nhân trẻ và cả học viên của CLB ca trù Thăng Long. Rồi đến màn trình diễn thư pháp của các ông đồ trẻ thuộc Công ty Bảo tồn di sản văn hoá Việt.


Toàn cảnh canh hát quan họ truyền thống
vừa được tổ chức tại làng Đặng Xá.

Hơn tám giờ tối, canh quan họ cổ mới bắt đầu. Chị Hai Quýnh cùng khoảng 6,7 cụ già và chừng gần chục phụ nữ trung niên, vài cặp các cô gái trẻ… trong đó có các cụ của “quan họ bạn” đến từ làng Bò Sơn, còn lại những liền chị trong CLB quan họ của làng Đặng Xá, cùng ngồi quây quần trên những chiếc chiếu cói trải giữa sân chùa. Liền anh chỉ có bốn người. Anh Hai Ninh và anh Hai Hiển là người Đặng Xá, còn hai liền anh khác mời từ “quan họ bạn”.

Người nghe chen chân vòng trong vòng ngoài, không có chỗ ngồi thì đứng. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền giới thiệu, rằng quan họ cổ hát mộc, không micro, không nhạc đệm, ánh sáng cũng chỉ là của đèn nến, vậy nên đề nghị khách nghe giữ trật tự để thanh âm lời hát được vang xa…

Nhưng hai liền anh Ninh, Hiển vừa cất câu: “Bốn bên tứ hải giao tình” thì ngay cả các cụ già ngồi đằng sau đã kêu lên, “không nghe gì cả, không có loa làm sao nghe được”. Mà không nghe được thật. Cái giọng vang rền nền nẩy, ấm áp mà cao thanh của anh Ninh anh Hiển lúc chiều tự nhiên bị chìm nghỉm giữa ồn ào chung quanh.

 
Trong canh quan họ cổ ở làng Đặng Xá, các liền chị
vẫn phải có lúc hát qua micro.

Chị Hai Quýnh đứng lên, vừa lắc đầu vừa đi tìm micro, và loa được bật. Âm thanh chói gắt của loa đài tăng âm (không đủ chuẩn) khiến người nghe chẳng còn nghe được giọng ai hay dở ra sao, bao nhiêu lắng sâu tình tứ trong câu hát cứ trôi tuồn tuột.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chán nản ngồi thu lu một góc. Anh nói, “đúng là người lãng mạn mới nghĩ rằng có thể phục hồi vốn cổ đúng như xưa cổ trong điều kiện bây giờ”. Bây giờ người ta nghe quan họ qua loa đài, quan họ trên sân khấu quen rồi, đâu biết thế nào là quan họ.

Chẳng biết có phải vì nhốn nháo một hồi như bao quan họ khác, nên gọi là canh hát cổ cũng không giữ được chân người nghe. Mới gần nửa buổi hát, mọi người đã lục tục kéo nhau ra về.

Nhưng cũng may, từ lúc đó, canh quan họ cổ mới thực sự bắt đầu. Liền anh liền chị bảo nhau khép vòng lại gần hơn trên chiếu cói, micro được cất đi, loa tắt, đèn điện tắt, chỉ có trăng rằm treo vành vạnh trên mái chùa. Những người nghe còn lại có các cụ ông cụ bà làng Đặng, một vài người tuổi trung niên và nhóm khách phương xa tới cũng ngồi quây quần cạnh các liền anh liền chị.

Trong ánh nến mờ ảo, những bài ca cổ từ dọn giọng, lề lối, giã bạn… mới thực sự say đắm lòng người. Các liền chị Hai Măng và chị Hai Cơ (70 và 74 tuổi), hát bài Gió mát trăng thanh, giọng ngân vang, trong ngọt… Rồi hai cụ Bàn, cụ Lịch (là hai báu vật dân gian sống của quan họ) hát Tưởng nhớ về người, cụ Hình Khánh hát bài Áo xếp nguyên… Các liền chị trẻ Mến, Oanh, Huệ, Lan hát Thú giải phiền, Ba bốn chiếc thuyền kề … Rồi hai anh Ninh, Hiển với những bài hát đối…

Canh quan họ cổ dùng dằng giã bạn hơn 30 phút vẫn không dứt. Khách phương xa nhìn nhau tiếc nuối. Mấy cô gái bảo nhau: “Nghe thế này mới thấy quan họ hay”.

Còn không, quan họ cổ?

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, quan họ theo đúng như đích thực cổ truyền phải là quan họ hát canh. Một canh hát truyền thống từ hát dọn giọng cho đến lề lối và hát đối giã bạn, logic chặt chẽ nhưng cũng đầy ngẫu hứng say mê, có thể kéo dài hai ba ngày đêm không dứt. Còn quan họ bây giờ là những bài ca lẻ, người hát nhiều khi chỉ thuộc dăm ba làn điệu đã đi biểu diễn khắp nơi, và họ hát, không cần đúng một hình thức diễn xướng như vốn cổ.


Hai anh Ninh, Hiển - cặp liền anh hiếm hoi của làng Đặng Xá.

Hát quan họ thực chất là hát đối, vậy nên muốn tổ chức một canh quan họ theo đúng truyền thống, trước hết phải có đủ các cặp liền anh liền chị tương xứng. Và theo khảo sát của các cán bộ Viện Văn hóa nghệ thuật, sở dĩ Đặng Xá là một điểm hiện còn có thể dựng lên được một canh quan họ cổ theo đúng như vốn cổ, bởi ở đây còn có một vài cặp liền anh đủ chất giọng và vốn liếng để hát những bài ca cổ. Và việc phục dựng một canh quan họ cổ truyền ở đây là ý tưởng của các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa nghệ thuật.

Thực tế tại các làng quan họ Bắc Ninh, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, có nhiều cặp liền chị tuổi cao hát rất hay, thuộc hàng trăm bài ca cổ rất đẹp, nhưng lại không có cặp liền anh nào tương xứng về độ tuổi để hát đối. “Cháy liền anh” là một vấn đề “nóng” của quan họ hiện nay.

Vậy nhưng, để quan họ truyền thống thực sự sống được trên đất quan họ, lại không chỉ vậy. Sau hơn 50 năm đứt đoạn, quan họ mới được phục hồi, và nếu nhìn vào sự “tự phát” trong dân, rất nhiều nhà nghiên cứu mừng ít lo nhiều. Mừng vì quan họ thực sự đã ngấm vào máu người Kinh Bắc, chỉ cần một chút khích lệ là bừng lên.


Khán giả quan họ rất đông, nhưng không mấy người
biết thưởng thức đúng kiểu một canh quan họ truyền thống.

Tuy nhiên, cũng vì đứt đoạn đã quá lâu, những nghệ nhân quan họ giờ đã quá già, lớp trẻ có lẽ chưa được biết, quan họ cổ truyền của cha ông thực chất là như thế nào. Vậy nên, mới thấy bây giờ đi đâu cũng quan họ hát có nhạc đệm, hát qua micro, qua tăng âm. Có rất nhiều từ để các nhà nghiên cứu nói về quan họ ngày nay, đó là quan họ đài, quan họ đoàn, quan họ xập xình. Và họ không thể không lo ngại, quan họ đang phát triển, nhưng ngày càng rời xa truyền thống…

Các nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc cổ truyền, từ những khảo sát thực tế, đã cố tâm phục dựng quan họ cổ. Tuy nhiên “khi chúng tôi rút quân là lập tức người dân lại mang đàn oóc ra đệm hát quan họ”- anh Bùi Trọng Hiền nói.

 
Các liền chị gần tuổi 80 -
những “báu vật dân gian sống” của quan họ.

Chưa kể, dù nhiều nơi bây giờ đã ý thức việc hát quan họ theo lối mộc, không dùng tăng âm, nhưng những “tour” quan họ đó, cũng chỉ được tổ chức theo kiểu đặt hàng, và người nghe chủ yếu là các nhà nghiên cứu, nhà báo… Các câu lạc bộ quan họ làng ngày càng phát triển, nhưng họ cũng phần nhiều đi hát theo lời mời, ở các hội diễn, liên hoan.. là chính. Nỗ lực của các nhà nghiên cứu bảo tồn để hầu mong giữ lại di sản văn hóa của người dân thực sự sống trong dân nhiều khi chỉ như muối bỏ biển.

Tuy vậy, so với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác, quan họ còn nhiều người say mê tâm huyết, nhiều người già tuổi dẫu xế chiều nhưng cái chất quan họ trong người hãy còn tươi nguyên, nhiều người trẻ mong muốn khám phá và tiếp nối giữ gìn. Vậy nên, hy vọng phục nguyên quan họ hát canh theo đúng truyền thống vẫn còn nhiều điều để mà… hy vọng.

HỒNG MINH - NGỌC XIÊM (ND)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Khám phá kiến trúc đặc biệt của tháp cổ Chiềng Sơ

    (Xây dựng) – Tháp cổ Chiềng Sơ là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được xây dựng bởi tình đoàn kết hai dân tộc Việt - Lào. Tháp hiện tọa lạc tại bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên. Ngày 14/04/2011, tháp Chiềng Sơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL.

    08:46 | 01/12/2024
  • Gia Lai xây dựng cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe hướng đến bảo tồn văn hóa dân tộc

    (Xây dựng) - Tỉnh Gia Lai đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm phát triển của khu vực Bắc Tây Nguyên, với tầm nhìn trở thành "Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe". Đây là một chiến lược dài hạn kết hợp giữa phát triển kinh tế xanh, bảo tồn thiên nhiên và duy trì bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương.

    21:56 | 30/11/2024
  • Trụ sở Bộ Ngoại giao, ngôi nhà trăm mái duy nhất tại Việt Nam

    Ngôi nhà trăm mái do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế trước đây là nơi làm việc của Sở Tài chính Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý sử dụng làm trụ sở Bộ Ngoại giao.

    09:26 | 30/11/2024
  • Ninh Bình: Triển khai kế hoạch xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 25/11/2024 về nghiên cứu khả thi xây dựng Đề án tu bổ, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 – 2030.

    21:22 | 29/11/2024
  • Bảo tồn những tiềm năng vốn có và các giá trị bản địa khu vực Làng đá cổ

    (Xây dựng) – Tại Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 năm nay, sinh viên Phan Thị Thu Trúc, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc giành được giải Nhất. Dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Phạm Thị Ái Thủy, Trúc đã mang đến một thiết kế kiến trúc rất đặc biệt tại khu vực Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky tại tỉnh Cao Bằng.

    15:07 | 29/11/2024
  • Phê duyệt Quy hoạch trung tâm bán đảo Quảng An, Hà Nội sẽ có nhà hát tầm cỡ thế giới cạnh hồ Tây

    (Xây dựng) - Theo đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 vừa được UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt ngày 26/11, Nhà hát Opera Hà Nội do kiến trúc sư số 1 thế giới Renzo Piano thiết kế, được xem là một dự án trọng điểm góp phần nâng tầm vị thế thủ đô.

    14:25 | 29/11/2024
  • Hà Nội: Xếp hạng 7 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh

    (Xây dựng) – Ngày 28/11, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Quyết định số 6162/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

    09:44 | 29/11/2024
  • Về Long An hòa mình trong “Khát vọng sông Vàm”

    (Xây dựng) - Tối 28/11, Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 chủ đề “Khát vọng sông Vàm” sẽ chính thức khai mạc. Tuần lễ bao gồm chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn, hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị…

    22:18 | 28/11/2024
  • Tu Mơ Rông (Kon Tum): Bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo của người Xơ Đăng qua Hội thi Cồng chiêng, Xoang Xơ Đăng

    (Xây dựng) - Ngày 28/11, tại Quảng trường Trung tâm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức khai mạc Hội thi Cồng chiêng, Xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng lần thứ II. Sự kiện kéo dài 2 ngày, từ ngày 28-29/11, là một trong năm hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, Xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, đồng thời kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Tu Mơ Rông.

    22:11 | 28/11/2024
  • Bến Vũng Rô – Biểu tượng của ý chí và khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam

    (Xây dựng) - Vũng Rô - một địa danh lịch sử, gắn liền với con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cùng với “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc Việt Nam, là hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước của dân tộc ta.

    21:59 | 28/11/2024
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load