Bệnh dại ở người do một loại vi rút gây ra, thông thường do chó dại cắn là chủ yếu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp tử vong do dại từ mèo.
Ảnh minh hoạ.
Tử vong vì mèo cào
Mới đây nhất, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân nhi Hoàng Văn H, 11 tuổi, thường trú tại Phúc Lộc, An Khang, bị dại do mèo cào. Mặc dù đã được các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm tận tâm cứu chữa, nhưng cháu đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.
Gia đình cháu H cho biết, trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, cháu có bị mèo nhà bên cạnh cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết. Trước khi nhập viện 1 ngày, cháu mệt, thường “rùng mình” nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị.
Tuy nhiên, các bác sĩ ở bệnh viện cũng đành bất lực không thể cứu được bé vì bệnh dại đã phát cơn.
Trường hợp của bé Nguyễn Văn H. trú tại Phú Thọ bị mèo cắn vì bé hay chơi với mèo. Gia đình nghĩ đó chỉ là vết cắn thông thường nên chẳng ai để ý gì đến vết thương đó cả. Một tháng sau, bé H. phát bệnh dại với các biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.
Bé chỉ kêu kêu chứ không nói thành tiếng. Bố mẹ cháu đưa con lên viện cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ cho biết cháu bị dại không chữa được nhưng với hi vọng còn nước còn tát, gia đình đưa con lên tuyến trung ương. Lên đến bệnh viện được hai hôm thì cháu bé tử vong.
Chính vì thế, các bác sĩ đều khuyến cáo vật nuôi là chó mèo phải được tiêm phòng dại đầy đủ. Hầu như các gia đình mới chỉ tiêm dại cho chó còn bỏ quên mèo. Vào mùa nắng, vi khuẩn dại thường tập trung ở nước dãi của chó và mèo nên chỉ qua vết cào, vết cắn nhẹ nó cũng có thể truyền vi khuẩn dại vào cho người. Chính vì thế, khi bị mèo, chó cắn mọi người phải nghĩ ngay ra tiêm phòng dại.
Biểu hiện của bệnh đó là sợ nước, sợ ánh sáng và đặc biệt khi bị bệnh dại, hầu như bệnh nhân co thắt thanh quản không nói được, họ chỉ biết đón nhận cái chết từ từ.
Làm gì khi bị mèo cắn?
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương lây từ động vật sang người. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật bị bệnh bài tiết ra ngoài theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc vào cơ thể.
Trong cơ thể con vật, vi rút dại theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt. Lúc này, nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng trong nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút bắt đầu hủy hoại dần các tế bào thần kinh trung ương và làm xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh dại.
Thời kỳ ủ bệnh tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của virus. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào khoảng cách từ vị trí vết cắn đến thần kinh trung ương xa hay gần, vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời gian ủ bệnh trung bình là 30-90 ngày (80% trường hợp), có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày (5-10% trường hợp) hoặc chậm hơn 3 tháng (7-20% trường hợp). Thậm chí kéo dài hơn cả năm (1,8% trường hợp).
Người khi bị chó, đặc biệt là mèo cắn cần thực hiện nghiêm ngặt việc xử trí vết thương: rửa ngay vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát khuẩn như: cồn, cồn i ốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn sau đó phải theo dõi con mèo đó từ 8 - 10 ngày. Nếu có bất thường phải đi tiêm phòng dại ngay.
Theo P.Thuý/Infonet.vn
Theo