Thứ năm 26/12/2024 18:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Cô Tô Quảng Ninh - Hành trình xây dựng huyện đảo Văn hóa

15:25 | 22/02/2009

Một tiết mục văn nghệ của đoàn Cô Tô tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh năm 2008.

Mùa xuân 2009 này, Cô Tô vừa tròn 15 tuổi. Với vị thế là một huyện biển đảo chiến lược vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đồng thời Cô Tô còn là nơi duy nhất trên cả nước được Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống. Nhằm tạo động lực cho huyện đảo không ngừng phát triển về mọi mặt, xứng đáng là cửa ngõ tiền đồn vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc, năm 2003 UBND tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn Cô Tô là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện đề án: “Xây dựng Cô Tô - huyện điểm Văn hóa giai đoạn 2003-2010”. Sau 5 năm thực hiện, Cô Tô đã đạt được nhiều kết quả, góp phần đưa huyện đảo ngày một tiến bộ, văn minh...

Cô Tô có tổng diện tích tự nhiên là 46,2km2, dân số trên 5.600 người. Ngoài thị trấn Cô Tô, huyện đảo còn có 2 xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Phát huy những kết quả đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án: “Xây dựng Cô Tô - huyện điểm Văn hóa”, huyện Cô Tô đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời ban hành quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành thành viên và từng cá nhân. Trong đó tập trung vào 2 biện pháp chính là phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thực hiện chủ trương này, huyện đã xác định phát triển kinh tế ngư nghiệp là mũi nhọn. Nhờ có những cách làm năng động trong phát triển kinh tế nên đời sống của người dân đã có nhiều cải thiện. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của Cô Tô có mức tăng trưởng khá, GDP bình quân hàng năm là 10,2%, năm 2007 đạt 13,7%, chỉ tiêu năm 2010 là tăng 14%. Thu nhập bình quân đầu người là 682 USD/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngư nghiệp, dịch vụ du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng; bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, nhu cầu thiết yếu của nhân dân được đảm bảo ngày một tốt hơn, tỷ lệ gia đình có mức thu nhập kinh tế khá năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm rõ rệt từ 23% năm 2003 (tiêu chí cũ) xuống 7,23% năm 2008 (tiêu chí mới), không còn hộ đói, 80% số hộ được dùng nước sạch.

Kinh tế phát triển, bà con trên huyện đảo có điều kiện đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay đã có 12/12 thôn, khu làm lễ khai trương đăng ký xây dựng Làng văn hóa và xây dựng quy ước và hương ước; 6/12 thôn, khu được công nhận đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, số hộ gia đình văn hóa đạt 60%. Đặc biệt nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bình quân hàng năm có từ 2-3 buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp do các đoàn nghệ thuật của tỉnh và quân đội ra phục vụ cán bộ, nhân dân, chiến sĩ nhân các dịp lễ, tết. 100% các xã, thị trấn đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức thường xuyên trên địa bàn huyện tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh, truyền hình cũng ngày càng được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% các xã có trạm truyền thanh, bảo đảm chuyển tiếp các chương trình truyền hình phục vụ nhân dân, nâng thời gian chuyển tiếp từ 8,5h lên 14h/ngày v.v...

Ông Bùi Đức Mân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Phó Ban chỉ đạo xây dựng huyện điểm văn hóa Cô Tô, khẳng định: Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, với sự chỉ đạo tập trung cao của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân, đã làm cho huyện đảo có một diện mạo mới. Đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Nhiều phong trào thi đua và các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống đạo lý dân tộc, hướng về cội nguồn; công tác từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo v.v... đã được tổ chức và thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì đang có những tác dụng thiết thực trong việc hình thành và phát triển đời sống văn hóa mang bản sắc của một huyện đảo. Tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư ngày càng được gắn bó. Các thiết chế văn hóa cơ sở như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi cho trẻ em đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn huyện có 8/12 thôn, khu có nhà văn hóa, 100% số xã, thị trấn có sân chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh như điện, đường, trường, trạm, công tác xóa đói giảm nghèo v.v... cũng được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông kiên cố hóa. Một số công trình văn hóa, thể thao thiết yếu như: Sân vận động trung tâm huyện đã hoàn thành giai đoạn I, quy hoạch mở rộng Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch, xây dựng Nhà văn hóa trung tâm huyện và Thư viện huyện đang được triển khai...

Sau hơn nửa chặng đường thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa, diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa xã hội Cô Tô đã có nhiều khởi sắc. Đó sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cuối của lộ trình thực hiện đề án “Xây dựng Cô Tô - huyện điểm văn hóa giai đoạn 2003-2010”, Cô Tô mong muốn nhận được sự quan tâm, vào cuộc chủ động hơn nữa của các ban, ngành trong tỉnh để Cô Tô sớm trở thành một huyện đảo văn hóa, điểm sáng của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Thu Nguyên (BQN)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load