Thứ năm 02/05/2024 16:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cố đô Huế: Trăm năm tìm lại đàn Sơn Xuyên

20:04 | 06/01/2008
 
Đàn Sơn Xuyên còn lại duy nhất ở Việt Nam
 
Trong một lần tình cờ tiếp xúc với Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An - sau chuyến nghiên cứu điền dã mới đây của ông, chúng tôi biết đàn Sơn Xuyên vừa được phát hiện còn tồn tại ở Phường Đúc (TP Huế). Theo ông An, trong gần 80 năm trở lại đây, đàn Sơn Xuyên dường như ít được nhắc đến qua sách báo, nên cứ ngỡ nó đã hoàn toàn biến mất.
 
Đây có lẽ là ngôi đàn cổ thờ thần núi sông còn lại duy nhất trên đất nước Việt Nam hiện nay. Đàn Sơn Xuyên tôn vinh sự vĩnh hằng, kỳ vĩ của non sông gấm vóc Việt Nam; là nơi người dân gửi gắm tâm linh vào hồn thiêng sông núi, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà...
 
Theo sử liệu cũ mà chúng tôi thu thập được, đàn Sơn Xuyên (Huế) xây dựng vào năm 1853, thời vua Tự Đức, thuộc phủ Thừa Thiên, là một trong 26 ngôi đàn thờ tế các thần núi nổi tiếng và sông lớn (danh sơn đại xuyên) trong nước. Chưa thấy có sử liệu nào ghi chép đàn Sơn Xuyên được xây dựng kiên cố dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn.
 
Mãi đến thời Tự Đức, theo định lệ của nhà vua, loại đàn này được triển khai xây dựng tại 26 tỉnh suốt từ Bắc chí Nam. Sách Đại Nam Nhất thống chí viết: “Đàn Sơn Xuyên (Huế) ở xã Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thuỷ, mặt hướng về nam, thờ các vị thần núi cao sông lớn trong cõi”.
 
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong tất cả 26 ngôi đàn trên cả nước, đàn Sơn Xuyên Huế có lẽ mang tầm quan trọng về lễ nghi, quy mô xây dựng bề thế hơn cả, do nằm ngay tại vùng đất kinh kỳ. Vì lẽ đó, chỉ duy nhất đàn Sơn Xuyên Huế còn tồn tại cho đến hôm nay?
 
Đàn Sơn Xuyên - hình mẫu của đàn Xã Tắc   
 
Toàn cảnh đàn Sơn Xuyên (ảnh phối cảnh) theo tư liệu cũ năm 1925
 
Hơn 150 năm trôi qua, ngôi đàn vẫn còn đó trầm mặc giữa rêu phong và gió bụi. Đàn lọt thỏm trong khuôn viên trường tiểu học Phường Đúc, ngay bên con phố Bùi Thị Xuân ồn ã, nên cứ ngỡ đây là một kỳ đài thu nhỏ bị bỏ phế. Đàn Sơn Xuyên nằm lộ thiên, cao hai tầng, xây bằng gạch vồ, vôi vữa và đá núi.
 
Tầng dưới rộng 45x45m, tầng trên đồng tâm rộng 23x23m. Theo ấn định của thời vua Tự Đức thứ 5 (1852), hai tầng đàn Sơn Xuyên được xây dựng trên khuôn viên rộng khoảng 8.410m2. Nhưng phần đất này đang thuộc phạm vi quản lý của trường học và nhà dân.
 
Hiện chỉ còn tầng trên của đàn (cao gần 1m) nằm nổi khỏi mặt đất, cây cối um tùm. Những án thờ chư thần núi sông, bia đá, bài vị đều đã biến mất. Thay vào đó là hai bệ thờ bằng bê tông, một điểm hoá vàng mã do người dân sở tại tự xây dựng để hương khói vào khoảng năm 1969...
 
Có một chi tiết khá thú vị, đàn Sơn Xuyên Huế được xây dựng theo hình mẫu và kích thước của đàn Xã Tắc (triều Nguyễn) - nơi thờ cúng thần đất, thần lúa một thời của cả nước. Sách Đại Nam Thực lục viết: “Đàn được đắp hai tầng... Tầng dưới đắp cao rộng thêm, trượng thước theo y như đàn Xã Tắc”.
 
Một cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế mới đây cho biết, khuôn mẫu nêu trên của đàn Sơn Xuyên sẽ là cơ sở quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục hồi đàn Xã Tắc (đã hoàn toàn biến mất) theo một dự án quy mô đang được xúc tiến.
 
Không thể là phế tích!
 
Không nổi tiếng và quan trọng như đàn Nam Giao hay Xã Tắc, nhưng sự tồn tại của đàn Sơn Xuyên tại Huế đã cho thấy sự đa dạng về đời sống tâm linh và khát vọng bình yên của người dân cố đô. Mang hình mẫu của đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên ở Huế là loại di tích hiếm thấy còn sót lại trên đất nước Việt Nam, rất cần được quan tâm bảo vệ và tôn tạo.

Ngọc Văn (TP)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load