(Xây dựng) - Đây là lời khẳng định của Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành - Bộ Xây dựng (đơn vị đại diện chủ đầu tư), ông Nguyễn Tiến Thành về tiến độ đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội mới của Lào.
Lễ nghiệm thu xây dựng và bàn giao công trình Nhà Quốc hội để phục vụ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX nước CHDCND Lào ngày 20/3/2021. |
PV: Thưa ông, công trình có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với 2 đất nước Việt Nam và Lào?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Công trình Nhà Quốc hội Lào đặc biệt quan trọng đối với hai nước, hai dân tộc ở cả ý nghĩa vật chất và tinh thần. Công trình là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.
Công trình cũng là minh chứng cho tình cảm, mối quan hệ trong sáng, rất mực thủy chung - tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Tiếp nối truyền thống gắn bó keo sơn, công trình Nhà Quốc hội Lào sẽ tiếp tục là “di sản trường tồn” cho các thế hệ con cháu Việt - Lào mai sau.
Công trình Nhà Quốc hội Lào mang đậm nét kiến trúc truyền thống được được trang bị hệ thống kỹ thuật, thiết bị công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. |
PV: Được biết, ngày 20/3/2021, công trình đã được nghiệm thu xây dựng và bàn giao để phục vụ Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX nước CHDCND Lào. Phản hồi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội Lào đối với công trình như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Công trình được kịp thời đưa vào phục vụ tổ chức Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX của Lào. Được tận mắt chứng kiến một công trình bề thế và trải nghiệm các tiện ích, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nước CHDCND Lào rất phấn khởi. Họ đánh giá đây là công trình có kiến trúc trang nghiêm, hiện đại, thể hiện rất rõ nét bản sắc và kiến trúc đặc trưng của nghệ thuật trang trí đặc sắc của nước Lào. Công năng sử dụng tiện nghi với các hệ thống kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến...
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của Lào và Việt Nam thăm và kiểm tra tiến độ đầu tư xây dựng dự án Nhà Quốc hội Lào mới. |
PV: Đảm nhiệm trọng trách đại diện đầu tư một công trình lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa tại nước ngoài, Ban Quản lý dự án có những áp lực gì, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp, khiến việc xuất nhập cảnh, nhập thiết bị, vật liệu khó khăn?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Tập thể Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành xác định đây là một vinh dự to lớn đồng thời cũng là trọng trách nặng nề mà Bộ Xây dựng và các cấp lãnh đạo tin tưởng giao phó.
Khó khăn lớn nhất đặt ra ngay từ bước đầu là việc phải tổ chức quản lý dự án ở nước bạn, phát triển các bước thiết kế chi tiết theo thiết kế kỹ thuật do bạn cung cấp song phải tuân thủ pháp luật của cả hai nước Việt Nam - Lào.
Quá trình thực hiện dự án luôn phải đặt ra mục tiêu hoàn thành các yêu cầu chất lượng, tiến độ, an toàn như các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước Việt Nam, đồng thời phải phối hợp thật tốt, có được sự thấu hiểu và thống nhất với các bạn Lào.
Trong phần lớn thời gian thi công, công tác xây lắp không chỉ gặp các trở ngại về địa lý, thời tiết mà còn phải đương đầu với tác động của đại dịch COVID-19. Việc huy động nhân lực từ Việt Nam, việc đặt hàng, nhập khẩu vật tư, thiết bị chủ yếu từ châu Âu, châu Mỹ - là các điểm bùng phát dịch nặng nề nhất trên thế giới - bị thay đổi và chậm trễ.
Ngay tại nước Lào, việc đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, lao động cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, công nhân được an toàn trong bối cảnh dịch bệnh cũng là thách thức rất lớn đặt ra với dự án.
PV: Thưa ông, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại và các quy định về xây dựng của Lào, dự án có ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ hay những vật liệu, thiết bị đặc biệt gì?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Trong không gian đậm nét kiến trúc truyền thống, công trình được trang bị hệ thống kỹ thuật và các thiết bị, vật liệu với công nghệ hiện đại, được đánh giá thuộc loại hàng đầu hiện nay trên thế giới.
Đặc biệt với vai trò đại diện chủ đầu tư là Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án đã chủ động đề xuất và điều phối hiệu quả các đơn vị liên quan để lần đầu tiên áp dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) tại một dự án xây dựng dân dụng sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước có quy mô lớn như dự án Nhà Quốc hội Lào.
BIM đã là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong quá trình quản lý dự án, xử lý va chạm trong thiết kế - thi công, góp phần tiết giảm hao phí nhân lực, thời gian, vật tư...
Hơn nữa, BIM được bàn giao cho các bạn Lào sẽ là sản phẩm rất hữu ích phục vụ quá trình quản lý, vận hành, bảo trì công trình mãi mãi sau này.
PV: Tại dự án, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam và Lào như thế nào, thưa ông? Ông đánh giá như thế nào về các lực lượng của Việt Nam tham gia tại dự án?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Nhà Quốc hội Lào là dự án đặc biệt, có 2 Ban chỉ đạo, 2 Ban Quản lý, 2 đơn vị tư vấn thiết kế, 2 tư vấn giám sát và tuân thủ quy định pháp luật của cả Việt Nam và Lào.
Trong suốt quá trình triển khai, dự án luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ hai nước, sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của 2 Ban Chỉ đạo cùng sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan hai nước.
Riêng về phía Việt Nam, các đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án, đặc biệt là Tổng thầu Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng), các nhà thầu phụ REE, Vinastone... cùng các nhà cung cấp đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, đầu tư nhân lực, vật lực vượt quá các thử thách về dịch bệnh, khí hậu, cách trở và cả các vướng mắc trong thủ tục để thi công xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ và an toàn tuyệt đối.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX nước CHDCND Lào là kỳ họp đầu tiên được tổ chức tại Nhà Quốc hội Lào mới. |
PV: Đến nay, dự án đã hoàn thành ở mức độ nào? Cho đến khi bàn giao chính thức, dự án sẽ phải tiếp tục hoàn thiện những phần việc gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch, dự án sẽ được bàn giao tổng thể vào cuối tháng 6/2021.
Cho đến khi dự án được bàn giao tổng thể, các đơn vị phải đồng thời hoàn thiện 4 nhóm nhiệm vụ lớn. Một là thi công, lắp đặt phần việc nhỏ còn lại. Hai là chạy thử và căn chỉnh đồng bộ các hệ thống kỹ thuật. Ba là tập hợp đầy đủ hồ sơ chất lượng. Bốn là tiếp tục hướng dẫn các bạn Lào thực hành vận hành thuần thục. Các bên đều đang hết sức nỗ lực để kịp hoàn thành mọi nhiệm vụ ở mức cao nhất kịp tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là trong những ngày này, thủ đô Viêng - chăn đang phải phong tỏa, giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 là yêu cầu được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi sự sát sao, chặt chẽ, khoa học trong công tác quản lý và ý thức trách nhiệm cao của từng tập thể, từng cá nhân tham gia thi công xây dựng trên công trường Nhà Quốc hội Lào.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tâm Vũ (thực hiện)
Theo