(Xây dựng) - Mong mỏi để người dân TP có cuộc sống tốt là một trong những điều Đảng bộ TP.HCM đưa thành nghị quyết trong nhiệm kỳ X. Nhưng bộ phận người nghèo, người thu nhập thấp - đối tượng trong diện phải di dời giải tỏa cho các dự án chỉnh trang đô thị đang phải đối mặt với thực tế chọn an cư hay chọn kế sinh nhai?
Thực trạng
“Chỉnh trang và phát triển đô thị” là một trong 7 chương trình đột phá của nghị quyết TP.HCM, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành di dời toàn bộ 19.254 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của những người sống ven kênh rạch. Giai đoạn 2016 - 2020 TP sẽ di dời giải tỏa 9.805 căn nhà và tháo dỡ 120.000m2 căn chung cư hư hỏng, xuống cấp để xây dựng mới 240.000m2 chung cư mới.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, hơn 30.000 hộ dân trên các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé; Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã phải di dời đi chỗ khác để cải tạo các dòng kênh. TP đã bố trí được quỹ nhà tái định cư cho người dân tại các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Q.7, Q.6, đặc biệt là khu tái định cư Vĩnh Lộc B rộng 31ha với 45 block, tổng cộng 1.939 căn đã giải quyết được phần nào về nhà ở cho người dân.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, chính sách này vẫn gặp phải những bất cập. Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM cho biết: Ở dự án giải tỏa kênh Tân Hoá - Lò Gốm, đa phần người dân nhận nền đất hoặc nhận tiền đền bù chỉ những hộ có diện tích đất rất nhỏ mới nhận căn hộ tại Khu Vĩnh Lộc B (Bình Chánh).
Chị Trần Xuân Thi, block A2.1, phòng 102 là cư dân mới của khu Vĩnh Lộc B, gia đình chị ở Q.6 trong diện giải tỏa kênh Tham Lương - Bến Cát vừa dọn đến căn hộ rộng hơn 50m2, 2 phòng ngủ, nhà chị ở ngay tầng trệt, 2 mặt tiền rộng thoáng. Nhưng chị vẫn canh cánh nỗi buồn lên đây rồi không biết làm gì để sống. Chị Thi cho biết: Trước kia tôi có cửa hàng uốn tóc, còn giờ chuyển về đây ngồi ngắm dụng cụ chứ làm sao làm được nghề cũ khi dân cư chung quanh đây còn thưa thớt.
Đó cũng là lý do mà một khu đô thị có đầy đủ hạ tầng, có trường học cấp I, II, III, đường nội bộ rộng rãi, sân thể dục, siêu thị khang trang… như Vĩnh Lộc B đang xuống cấp từng ngày vì thiếu sinh khí của con người. Hiện nay, theo Ban quản lý khu tái định cư mới có 306/1.939 căn có người ở, nhiều block chung cư xây xong không có một bóng người. Lý do họ không chịu nhận nhà tại đây cũng do quá xa trung tâm TP, không biết làm gì để sinh sống, nhiều nhà nhận rồi hoặc cho thuê, hoặc bỏ không xuống nơi ở cũ thuê nhà để tiện kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vết nứt tại vỉa hè các chung cư TĐC Vĩnh Lộc B.
Nằm trong đô thị Phú Mỹ Hưng - Q.7 - khu đất vàng của TP.HCM, hai block tái định cư Tân Mỹ - dành cho cư dân tại kênh Tàu Hũ - Bến Nghé mới bàn giao được 5 năm nhưng đã xuống cấp trầm trọng. “Hai Block khoảng hơn 600 căn hộ nhưng chỉ có 350 căn có người ở, cá biệt ở block B có những tầng không có người ở nên đèn hành lang, bình cứu hỏa bị lấy đi, thậm chí các thiết bị của thang máy cũng bị tháo gỡ chuyển sang block A. Cả block B có 4 thang máy nhưng chỉ còn duy nhất một cái hoạt động. Thậm chí các thiết bị của thang máy block B được ban quản lý “tỉa” dần sang lắp cho Block A. Hệ thống chữa cháy không có chúng tôi sống ở đây lúc nào cũng lo lắng. Phí bảo trì không có, nhiều Cty quản lý phải “tháo chạy” vì không đủ chi phí nên công trình đã xuống cấp ngày càng tệ hại” anh Phạm Văn Trúc cư dân phòng B4.06 bức xúc nói.
Giải pháp
Để người dân tái định cư an cư lạc nghiệp với nơi ở mới theo ông Lê Thanh Liêm, phải có những giải pháp sát dân hơn, nếu TP không tái định cư tại chỗ cho dân được thì nên tạo cơ sở hạ tầng ở những nơi xa, cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư cũng như tạo việc làm cho người dân. Đồng thời, cần có những chính sách đi theo chăm lo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, ông Liêm cũng đề xuất cách thức quản lý chất lượng chung cư, theo đó, ở những dự án tái định cư không nên giao về các Cty công ích quản lý nên thành lập ban quản lý chuyên nghiệp quản lý các chung cư này như vậy không nhanh bị xuống cấp.
“Đối với dự án tái định cư 31ha Vĩnh Lộc B, TP nên thay đổi công năng, mở rộng đối tượng, chuyển đổi một số block sang nhà ở xã hội vừa thu được tiền vừa giải quyết tình trạng xuống cấp như hiện nay”, ông Liêm đề xuất thêm.
Trong kế hoạch, thời gian tới, UBND Q.8 sẽ di dời giải tỏa thêm 9.503 căn nhà, quận đã xin chủ trương tái định cư tại chỗ bằng cách mua lại khoảng 3.644 căn của các dự án tại Q.8 và huy động các nguồn lực xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn để di dời nhà trên và ven kênh rạch. Nhà đầu tư sẽ được hoàn trả bằng các khu đất phát triển nhà ở và thương mại dịch vụ.
Bùi Hiền
Theo