Chủ nhật 22/12/2024 12:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

“Chúng tôi cần chính sách cụ thể, triệt để”

20:33 | 23/03/2015

(Xây dựng) - Đó là quan điểm của ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà Cao Cường (SLC) đối với Chính sách phát triển VLXD không nung trong buổi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Xây dựng.

Thưa ông, vì sao tại thời điểm hiện nay, gạch không nung không thể cạnh tranh được với gạch đất sét nung (gạch đỏ)?

- Gạch không nung rất khó cạnh tranh được với gạch đỏ khi mà chính sách khuyến khích sử dụng gạch không nung và hạn chế sử dụng gạch đỏ của chúng ta còn nửa vời. Ai cũng rõ, việc đánh thuế với gạch đỏ là gần như không có bởi rất khó để xác định sản lượng sản xuất, doanh thu đối với doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ và khó chỉ rõ được việc DN đã sử dụng bao nhiêu đất ruộng để nung gạch, còn việc nung gạch thì chủ yếu dùng than có nguồn gốc không chính thống, giá rẻ.

Trong khi đó suất đầu tư cho gạch đỏ lại nhỏ, do đó, việc sản xuất gạch đỏ đem lại siêu lợi nhuận cho DN mà ai cũng nhìn ra. Chính phủ cũng đã có lộ trình cho gạch đỏ rút lui nhưng vẫn cho phép kéo dài, chưa dứt điểm hẳn, đáng nhẽ ra đến năm 2013 là phải dừng toàn bộ, nhưng lại cho phép cải tiến công nghệ để chạy tiếp, thậm chí có tỉnh vẫn tiếp tục cấp phép dự án sản xuất gạch nung công nghệ Tuynel.

Từ lâu, việc sử dụng VLXD không nung đã trở thành phổ biến ở các nước, đặc biệt là ở châu Âu, họ coi VLXD nung là loại VLXD cao cấp, mang tính trang trí và vì có nguồn gốc từ tài nguyên đất và sử dụng công nghệ nung nên bị đánh thuế rất cao, nên DN và người tiêu dùng phải sử dụng VLXD không nung cho công trình xây dựng.

Còn ở Trung Quốc, khi chúng tôi đã đi tham quan và học hỏi việc sử dụng VLXD không nung ở nhiều tỉnh cho thấy, người ta quy định rất rõ và ưu đãi cho chủ đầu tư sử dụng VLXD không nung số tiền là 5 NDT/m3. Do có sự trợ giá này, nên các chủ đầu tư muốn dùng VLDX không nung. Đồng thời ngược lại, cứ phát hiện ra việc sử dụng VLXD nung trái phép là họ phạt. Điều này cho thấy, chương trình hành động của nước bạn rất quyết liệt, không nửa vời.

Trong bối cảnh hiện nay, việc trợ giá cho sử dụng VLXD không nung đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam là một phương án rất khó khả thi, thưa ông?

- Chúng tôi xác định không đụng đến ngân sách của Nhà nước mà điều chúng tôi cần hơn là chính sách của Nhà nước phải cụ thể và triệt để. Theo đó, đối với gạch đỏ, Nhà nước cần đánh thuế tài nguyên, đánh thuế môi trường cho đúng với những tác hại của nó gây ra như: làm mất tài nguyên đất, phát thải khí CO2 cho môi trường.

Đối với VLXD không nung cần được sự hỗ trợ về chính sách lãi suất đối cho DN đầu tư dây chuyền sản xuất VLXD không nung, có giải pháp giúp chủ đầu tư đưa ra phương án thiết kế, thi công sử dụng VLXD không nung ngay từ khâu thiết kế, để chủ đầu tư chủ động đưa ra giải pháp thực thi.

Ví dụ, đưa ra quy định về công trình phải dùng gạch nhẹ, công trình phải sử dụng gạch cốt liệu, hay tại một công trình, phải sử dụng một tỷ lệ VLXD không nung cho phù hợp với từng công năng sử dụng. Nếu chủ đầu tư không đưa ngay ra phương án từ sử dụng VLXD không nung ngay từ khâu thiết kế, sẽ không được  phê duyệt dự án… Tôi cho rằng, nếu làm chặt chẽ, cương quyết theo hướng này, chúng ta sẽ đẩy mạnh được việc phát triển VLXD không nung tại Việt Nam.

Với các nhà máy có chất thải công nghiệp, nếu DN không thể xử lý được, thì cũng không được mua bán tràn lan khi không rõ phương án xử lý, mà phải cung ứng cho các nhà máy có khả năng xử lý và khai thác lại nguồn lợi từ chất thải này có ích cho môi trường xã hội và các ngành sản xuất kinh doanh khác. Khi mà nguồn chất thải được tập trung về một mối để xử lý tốt cho môi trường cũng sẽ giúp cho DN sản xuất VLXD không nung giảm được giá thành cho sản phẩm.

Trong phạm vi của mình, SCL đã làm gì để thuyết phục được đối tác cũng như khách hàng bán nguyên liệu sản xuất đầu vào và sử dụng VLXD không nung?

- VLXD không nung là sản phẩm được tận dụng từ các chất tái chế, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân lân, sản xuất xi măng (mạt đá, tro xỉ,…), giúp tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực cho các nhà máy, các nhà máy nhiệt điện sẽ không mất hàng trăm ha đất trống mỗi năm để chứa chất thải, đồng thời DN vẫn có được doanh thu từ bán chất thải. Hay nói cách khác, nếu như việc sản xuất VLXD nung phải đào bới tài nguyên đất thì việc sản xuất VLXD không nung giúp tiêu thụ lượng lớn phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân lân. SCL đã đầu tư đồng bộ và khép kín các nhà máy sản xuất các loại VLXD không nung với nhiều loại sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Trụ sở mới của chúng tôi cũng sử dụng hoàn toàn bằng VLXD không nung nên khi trời nồm không bị ẩm ướt như những tòa nhà sử dụng gạch đỏ. Điều này cho thấy, trong quá trình thi công, nếu như các giải pháp thi công của chủ đầu tư đưa ra là chuẩn mực thì không thể có vấn đề gì xảy ra ngoài mong muốn.

Tôi xin khẳng định rõ là chúng tôi có giải pháp thi công, chỉ dẫn kỹ thuật cho từng khách hàng sử dụng sản phẩm của mình và chúng tôi cũng cam kết chịu trách nhiệm cho các công trình đó. Và để thuyết phục được nhiều khách hàng hơn nữa, để khách hàng yên tâm sử dụng sản phẩm của SCL, SCL đã ký hợp tác toàn diện với 2 viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng là Viện Khoa học công nghệ VLXD và Viện VLXD để các Viện đứng ra kiểm soát và chịu trách nhiệm (bảo lãnh) cho các sản phẩm VLXD của SCL.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load