Thứ ba 05/11/2024 17:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân

21:39 | 20/10/2021

(Xây dựng) - Trong nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp cho nhà ở công nhân được đưa ra như: bố trí nguồn vốn ưu đãi, tạo ra nhiều mô hình phát triển như nhà ở cho thuê; nhà ở phúc lợi của doanh nghiệp; nhà ở dân doanh; mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi… Tuy nhiên thực tế nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay.

chua co chinh sach rieng cho nha o cong nhan
Cần có chính sách riêng để khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân về lâu dài…

Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Thời gian qua, trước thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp như: Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê; Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Tiếp đó, ngày 25/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021, với những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân lao động…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có báo cáo tổng thể với Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân tại khu công nghiệp (Văn bản số 2472/BXD-QLN ngày 30/6/2021), trong đó đã báo cáo cụ thể về các cơ chế chính sách, kết quả thực hiện, tồn tại hạn chế; đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách và một số kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ, ngành liên quan, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cũng như đôn đốc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố về việc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, người lao động trong các khu công nghiệp, do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê.

Tuy nhiên, số lượng nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên hầu hết các dự án bị chậm tiến độ.

Nguyên nhân khiến nhà ở cho công nhân còn hạn chế chính là chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Bên cạnh đó, còn có sự chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như Luật Nhà ở, Luật Đất, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.

Ngoài ra, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

Mặc dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp về lâu dài cũng như có các chính sách ngắn hạn về quy hoạch quỹ đất; lựa chọn chủ đầu tư; đối tượng, điều kiện được thuê nhà công nhân; tiêu chuẩn thiết kế; các cơ chế ưu đãi…

Riêng về nguồn vốn phát triển nhà công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giao đoạn 2021 – 2025, trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Nam Định: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Văn bản số 691/UBND-VP6 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, hạn chế người tham gia đấu giá, không bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá; thanh tra, kiểm tra, giám sát về tổ chức, hoạt động của đơn vị, tổ chức đấu giá tài sản, việc thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên và công tác lựa chọn đơn vị, tổ chức đấu giá tài sản.

  • Bộ Xây dựng đề nghị báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo tổng số dự án bất động sản đang triển khai, danh mục dự án bất động sản có khó khăn vướng mắc được phân loại.

  • Chính phủ sẽ có các giải pháp giảm giá nhà ở, bất động sản

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về các giải pháp giảm giá nhà ở, đất động sản và ổn định thị trường bất động sản.

  • Bắc Ninh: Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân

    (Xây dựng) - Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%, thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh thành khác đến làm việc và sinh sống, đặc biệt là lao động công nhân ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở dành cho công nhân trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân để thúc đẩy phát triển là việc làm cấp thiết.

  • Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng

    (Xây dựng) – Đó là một trong những mục tiêu chính trong Kế hoạch của Bộ Xây dựng thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/05/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều dự án bất động sản được gỡ vướng pháp lý, khơi thông nguồn cung

    (Xây dựng) - Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của Thành phố Hồ Chí Minh đã xem xét giải quyết pháp lý cho 30 dự án bất động sản. Trong đó, 8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn, còn 22 dự án khác đang tiếp tục được xử lý.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load