(Xây dựng) - Thị trường BĐS chung cư Hà Nội trong quý I chứng kiến cảnh giao dịch rất ít, không có nguồn cung mới nhưng chủ đầu tư cũng không chịu “cắt lỗ”.
Các sàn giao dịch BĐS đang trong tình trạng ngủ đông. Ảnh: Đức Anh |
Theo đánh giá của các chuyên gia và hiệp hội ngành nghề, lượng cung, giao dịch và tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư của thị trường thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Gần như không có sản phẩm mới, các sàn giao dịch không có hoạt động mở bán.
Câu view bằng “cắt lỗ”?
Theo CBRE Việt Nam, nguồn cung mới mở bán trong quý I giới hạn ở 1.600 căn, con số này thấp hơn rất nhiều mức mở bán trung bình là 6.500 căn/quý tính từ năm 2012 đến nay, số căn mở bán mới chủ yếu là của các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã được chào bán trước đó.
Tuy nhiên, không vì thế mà giá của các căn hộ giảm xuống hay có tình trạng “cắt lỗ” như một số thông tin báo chí đã đưa.
CBRE Việt Nam cho biết, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp trong quý I năm 2020 tăng 4%, một số dự án cao cấp tại quận Từ Liêm, quận Thanh Xuân chưa được mở bán như dự kiến, giá bán được duy trì ổn định tại các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán.
Theo lãnh đạo một sàn giao dịch BĐS uy tín ở Hà Nội, có một số nhà đầu tư đưa ra thông điệp cắt lỗ để câu view thu hút khách hàng, nhưng thực tế không có câu chuyện đó, bởi có thể do trước đó các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng lãi nhiều nhưng giờ không đạt được thì chịu lãi ít đi.
Hơn nữa, vấn đề cốt lõi là nguồn cung trên thị trường không quá lớn khi việc triển khai được một dự án ngày càng khó khăn hơn bởi các thủ tục của Nhà nước về đầu tư xây dựng càng ngày càng chặt chẽ hơn. Nguồn cung ra mới không có nhiều nên các chủ đầu tư cũng không thể đầu tư tràn lan mà buộc phải đầu tư khá thận trọng, có trọng tâm. Đương nhiên, những chủ đầu tư dạng này thường có kinh nghiệm và nguồn lực về tài chính nên không chịu nhiều áp lực mà phải bán hàng cắt lỗ.
Nguồn cung ngày càng khan hiếm
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, việc giảm giá bán mạnh cũng chưa chắc đã bán được hàng trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Cho nên, nhằm kích cầu người mua nhà, Đất Xanh Miền Bắc đưa ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất kéo dài hơn, giá bán thấp hơn trước, cung cấp dữ liệu về dự án một cách thật chi tiết cho khách hàng dưới hình thức là những video, hình ảnh thật, sinh động, đồng thời thực hiện tư vấn online, livetream. Mặc dù lượng giao dịch không được nhiều như trước đây nhưng mỗi ngày cũng đạt kết quả 4 - 5 giao dịch/ngày.
Một số dự án do Đất Xanh Miền Bắc bán trước đây hỗ trợ lãi suất 12 tháng, nay đẩy lên mức hỗ trợ 18 tháng, chính sách quà tặng tương đương giá trị 15 - 20 triệu đ/căn nay đẩy lên 40 - 50 triệu đ/căn.
Theo một nhân viên môi giới của Sàn giao dịch BĐS Thế Kỷ (thuộc CEN GROUP), phân phối sản phẩm cho dự án Gelexia Tam Trinh cho biết, chủ đầu tư hỗ trợ người mua nhà bằng cách kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất trong khi trước đây không có chính sách hỗ trợ lãi suất, có chương trình quà tặng giá trị 100 triệu đồng, chiết khấu 8% trên giá trị hợp đồng trong khi trước đây chỉ được chiết khấu 1,5%, giá trị quà tặng 10 triệu đồng.
Như vậy, chủ đầu tư không có chính sách ưu đãi quá khủng mà chỉ có có động thái chính sách ở mức độ vừa phải để vừa thu hút người mua nhà. Về cơ bản, các chủ đầu tư không mong muốn gây ra hệ quả làm cho thị trường BĐS bị giảm giá do tác động của bệnh Covid-19 bởi nguồn cung rất khan hiếm và ngày càng khó phát triển dự án.
Tuy nhiên, theo CBRE Việt Nam, nếu bệnh Covid-19 không được kiểm soát trước khi kết thúc quý III, số căn hộ mở bán mới và doanh số bán của cả năm 2020 dự kiến sẽ giảm bằng 30 - 40% lượng mở bán và doanh số của năm 2019. Giá bán sơ cấp dự kiến sẽ giảm xuống 6% theo năm khi các dự án cao cấp có thể trì hoãn thời điểm mở bán sang năm 2021 và các dự án hiện hữu phải đưa ra chính sách giá cạnh tranh hơn để thu hút người mua.
Có một số nhà đầu tư đưa ra thông điệp cắt lỗ để câu view thu hút khách hàng, nhưng thực tế không có câu chuyện đó. |
Thanh Nga
Theo