(Xây dựng) - Chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS); xử lý nhà, đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là hai trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 8/6. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn ngày 8/6. |
Chống thất thu thuế trong lĩnh vực BĐS
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính trong công tác chống thất thu lĩnh vực chuyển nhượng BĐS thời gian qua với những kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng thu mà còn có tác dụng nhất định, hạn chế yếu tố đầu cơ trên thị trường BĐS, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu đặt câu hỏi: Để chống thất thu lĩnh vực này được hiệu quả, bền vững thì Bộ Tài chính đã có những giải pháp tổng thể căn cơ như thế nào? Định hướng hoàn thiện chính sách liên quan đến quản lý thuế chuyển nhượng BĐS trong thời gian tới?
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH Bình Thuận cũng cho rằng trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản để thống nhất thu ngân sách trong việc kinh doanh, chuyển nhượng BĐS và đã có những dấu hiệu tích cực, làm tăng nguồn thu từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản này gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đề nghị Bộ trưởng tháo gỡ?
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật Thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng BĐS phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.
Từ những quy định này, người bán chuyển nhượng BĐS kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về BĐS. Đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục Thuế, Chi cục Thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực BĐS. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
Cũng theo Bộ trưởng, theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần. Trong thời gian này, UBND cấp tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế BĐS, điều này hoàn toàn đúng pháp luật, đúng với Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất.
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2022, đã thu được là 16.200 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng. Đặc biệt, có trường hợp, sau khi được vận động, giải thích, kê khai giá trị BĐS 500 triệu đồng đã tiến hành kê khai lại là 10 tỷ đồng…
Gỡ vướng trong xử lý nhà, đất trong quá trình cổ phần hóa DNNN
Đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà, đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp? Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hay không? Bởi theo đại biểu, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua cho thấy, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đặc biệt là đối với các DNNN có số lượng nhà, đất lớn nằm trên địa bàn, nhiều địa phương, có lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhà, đất của DNNN trước cổ phần hóa là tài sản của Nhà nước. Trước đây, theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP (quy định về việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công) và nay theo là Nghị định 67/2021/ND-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP), trước khi cổ phần hóa phải có sự sắp xếp, xác định tính hợp lý sử dụng. Phần nào (tài sản công) giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước, phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hóa hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hóa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận: Việc sắp xếp nhà, đất là một trong những nút thắt trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở những doanh nghiêp có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm.
Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn Nhà nước theo quy định.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản Nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.
Liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, Bộ trưởng cho biết: Trong thời gian tới, việc chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Nghị quyết 60/2018/QH14 (về việc tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước) không cho doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu đất không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đấy cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng.
Quý Anh
Theo