Thứ ba 30/04/2024 10:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV

Cho ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

13:58 | 29/08/2023

(Xây dựng) - Sáng 29/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Cho ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Bên cạnh những nội dung đã thống nhất, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn còn một số nội dung cần xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 (ngày 24/8/2023); được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 84 điều (bỏ 09 điều, bổ sung 01 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Đề cập đến những vấn đề đã thống nhất, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự thảo Luật đã được rà soát về phạm vi điều chỉnh với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh gồm kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản; Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản; Chỉnh lý khoản 1 Điều 3, quy định rõ khái niệm về kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản và dự án bất động sản.

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9 dự thảo Luật, dự thảo Luật được chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 9 theo hướng: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành, nghề kinh doanh bất động sản.

Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 26 dự thảo Luật), dự thảo Luật được chỉnh sửa bổ sung khoản 3 Điều 26, theo đó khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng được lựa chọn việc có hoặc không có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình.

Để bảo đảm trách nhiệm của chủ đầu tư, khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật đã quy định chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng chấp thuận cấp bảo lãnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, vẫn giữ được định hướng bảo vệ khách hàng là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai, nhưng không cứng nhắc, cản trở quyền thỏa thuận của các bên trong giao dịch bất động sản.

Về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (Chương VIII dự thảo Luật), dự thảo Luật được chỉnh lý tại khoản 1 Điều 72 quy định rõ “bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử”.

Khoản 2 và khoản 4 Điều 74 dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tại khoản 7 Điều 74 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về điều tiết thị trường bất động sản (Mục 1 Chương IX dự thảo Luật), dự thảo Luật được chỉnh lý tại Điều 77 quy định rõ hơn các nguyên tắc điều tiết thị trường bất động sản; phân biệt giữa việc thực hiện điều tiết thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở và việc chủ động, tăng cường điều tiết khi thị trường bất động sản có diễn biến ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Tại Điều 78 quy định rõ hơn các biện pháp thực hiện điều tiết thị trường bất động sản; tại Điều 79 bổ sung quy định về thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong điều tiết thị trường bất động sản.

Bên cạnh các nội dung đã được thống nhất, chỉnh lý nói trên, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn còn 5 vấn đề cần xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Đó là các vấn đề liên quan đến điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9 dự thảo Luật); Đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 6 Điều 23 dự thảo Luật); Điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản (Điều 39 dự thảo Luật); công chứng, chứng thực hợp đồng kinh doanh bất động sản (khoản 4 Điều 43 dự thảo Luật); các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản (Chương VII dự thảo Luật).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Với từng vấn đề vẫn còn các phương án khác nhau, cơ quan thẩm tra đã phân tích, đánh giá từng phương án. Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến cụ thể với từng vấn đề...

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Hội nghị.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load