Thứ hai 09/12/2024 17:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Chợ “đen” bán hóa đơn đỏ: Vì sao tồn tại một thời gian dài?

10:31 | 20/07/2014

Chợ “đen” ở đối diện cổng Ga Hà Nội thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm bán hóa đơn GTGT và các loại vé tàu, vé máy bay “rởm” tồn tại suốt bao năm qua, mua bán diễn ra công khai hàng ngày, thậm chí nằm giữa hai trụ sở công an giao thông, cách công an phường Cửa Nam chưa đầy 500m, mà không hề bị dẹp bỏ. Khi tìm câu trả lời từ các cơ quan chức năng, có cơ quan thì bảo không biết, có đơn vị thì nói theo kiểu quanh co, né trách nhiệm..

Và việc in hóa đơn giả, mua bán hóa đơn giữa các công ty “ma” với nhau đã biến những chiếc hóa đơn để trục lợi. Những chiêu thức như lập nhiều công ty “ma” để mua bán hóa đơn lẫn nhau, sau đó đi mua hóa đơn ở những chợ “đen” để hợp thức hóa đầu vào và xin hoàn thuế để trục lợi, vừa được hưởng lợi từ số tiền thuế GTGT được hoàn từ ngân sách nhà nước, vừa tiếp tay cho các DN khác trốn thuế. Thanh toán tiền bằng vé tàu, vé máy bay giả để “bòn rút” tiền của cơ quan nhà nước.

Như vậy, việc mua bán hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng và vé tàu xe như Báo PLVN phản ánh qua các bài trước là sự trốn thuế, là vi phạm pháp luật, rút ruột ngân sách nhà nước. Qua nhiều năm, chợ “đen” này hoạt động một cách công khai thì không biết bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp đã đến đây mua hóa đơn, vé tàu xe để tìm cách trốn thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nói riêng, làm lợi bất chính cho bản thân? Nhà nước đã thất thu tiền thuế và bị “moi ruột” ngân sách không biết bao nhiêu tiền?

Cơ quan thuế nói không “nghe thấy”

Trước thực trạng chợ “đen” ở khu vực ga Hà Nội bán hóa đơn bán hàng, hóa đơn GTGT và các loại vé “rởm” một cách công khai, lộ liễu kéo dài qua nhiều năm cho đến nay. Mang thực trạng trên, Sáng ngày 8/7/2014, PV tìm đến Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, gặp ông Nguyễn Xuân Dũng, Chi cục trưởng để tìm hiểu vấn đề này.

Trong buổi làm việc, ông Dũng cho biết, việc mua bán hóa đơn như PV phản ánh là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn. Kiểm tra hóa đơn là trách nhiệm của cơ quan thuế, thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện những trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế. Nhưng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế.(?)

Tuy nhiên, nói về việc chợ “đen” bán hóa đơn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ông Chi cục trưởng, chi cục thuế quận Hoàn Kiếm lại cho rằng: “Chưa có thông tin nào về chợ “đen” này, ngay cả đội thuế của phường Cửa Nam cũng chưa thấy báo cáo gì. Mà cũng chưa nghe và thấy các cơ quan chức năng nào phản ánh thông tin về chợ “đen” này(?). Sau khi PV phản ánh sự việc trên thì cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra, quán triệt, kiểm soát lại và “xem xét” phối hợp cùng với cơ quan chức năng khác để xử lý.”


Hóa đơn mua tại chợ "đen" ở đối diện Ga Hà Nội

Nói theo kiểu vòng vo

Cũng trong chiều ngày 8/7/2014, PV có đặt lịch làm việc với công an quận Hoàn Kiếm, cán bộ đội tổng hợp có gọi điện xin ý kiến lãnh đạo công an quận. Sau đó lãnh đạo công an quận có cuộc trao đổi với PV qua điện thoại về nội dung công việc, sau khi PV nói làm việc về vấn đề mua bán hóa đơn trên địa bàn, vị lãnh đạo công an quận nói “Làm gì có, việc đó xảy ra lâu rồi”. Khi PV nói rõ rằng sự việc đang có và xảy ra trên địa bàn thì vị lãnh đạo yêu cầu PV xin ý kiến Trưởng công an quận để làm việc.

Được sự đồng ý của Trưởng công an quận Hoàn Kiếm, sáng 9/7/2014, PV đã có buổi làm việc với ông Chu An Thanh, phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm và một cán bộ thuộc đội CSKT. Khi PV nói rõ sự việc và đưa ra những bằng chứng cụ thể, ông Thanh cũng cho biết, việc này có từ trước đây và đã xử lý. Trước đây, do xuất phát từ nhu cầu đi lại, đi công tác muốn lấy vé về thanh toán với cơ quan, nên việc làm vé giả, tẩy xóa ngày tháng cho phù hợp với nhu cầu của khách là có.

Cán bộ đội CSKT phân tích, từ nhu cầu đi lại nên có việc làm vé giả để bán, khách đi công tác thì phải ăn nghỉ dẫn đến việc phải có hóa đơn để về thanh toán với cơ quan. Từ đó, dẫn đến việc mua bán hóa đơn. Đứng sau các đối tượng “cò” như PV phản ánh, là các công ty “ma” và các đối tượng làm giấy tờ giả, bây giờ việc này không diễn ra công khai như trước mà chỉ hoạt động lén lút.(?) Cán bộ đội CSKT khẳng định.

Tuy nhiên, khi PV nói việc này hiện tại đang diễn ra công khai và kéo dài từ rất lâu cho đến bây giờ thì cán bộ đội CSKT giải thích, các đối tượng “cò” chỉ mua bán một, hai tờ hóa đơn thì rất khó xử lý vì chưa đủ căn cứ số lượng để truy tố. Ông Thanh nói thêm: “ Công an quận sẽ rà soát các ổ nhóm để xử lý”. Cán bộ CSKT nói tiếp “Để làm triệt để sự việc này thì phải cần có thời gian”. Nhưng ông Thanh ngắt lời: “Chúng tôi đã và đang có phương án kế hoạch xử lý tụ điểm này”(?).

Trong khi đó, chiều cùng ngày, PV đến công an phường Cửa Nam tìm hiểu thêm thì trưởng công an phường Cửa Nam trao đổi qua điện thoại cho biết, đang bận họp và sự việc này đã báo cáo lên công an quận chiều hôm qua.(?)

Còn đại diện Cục thuế Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Yến, trưởng phòng tuyên truyền trả lời cho rằng, hành vi vi phạm này chỉ “nằm” trong bóng tối, khó phát hiện(?). Cơ quan thuế chỉ xử lý vi phạm trên hồ sơ cụ thể và phối hợp với cơ quan công an. Nếu có dấu hiệu như trên, cán bộ thuế địa bàn phải xác định tìm hiểu người mua, người bán để phối hợp với các cơ quan thuế khác cùng cơ quan công an xử lý.

Nhưng một lãnh đạo chi cục thuế khác lại cho biết, khi hóa đơn lọt vào các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để hoàn thuế, rút tiền, thanh toán tiền thì chỉ khi bị nghi ngờ, cơ quan thuế mới kiểm tra hóa đơn thật hay giả.

Như vậy công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan thuế còn lỏng lẻo, thiếu sự tăng cường chặt chẽ hay buông lỏng quản lý về thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, đối tượng phải nộp thuế? Cùng với đó, có hay chăng việc cơ quan công an thiếu sự cương quyết xử lý các đối tượng buôn bán và những kẻ cầm đầu? Việc quản lý địa bàn của cả cơ quan thuế và cơ quan công an còn buông lỏng? Và trong suốt những năm qua, có hàng trăm, hàng nghìn hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng, vé tàu, vé máy bay được “xuất khẩu” từ chợ “đen” này “tuồn” vào các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức gây tổn thất bao nhiêu tiền của Nhà nước?

Quy chế phối hợp số 1527 giữa Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát -Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế có ghi rõ, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, tăng cường các hoạt động phối hợp trong công tác phòng, chống các hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thuế như: trốn thuế, gian lận thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, in ấn, mua bán và sử dụng trái phép hoá đơn giá trị gia tăng...

Cụ thể, Cơ quan thuế cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan công an về hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trong đó có việc: Mua, bán, sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, làm mất hoá đơn, vi phạm pháp luật về thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế…

Lực lượng Cảnh sát có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin theo đề nghị của cơ quan thuế, trong đó có việc: Thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm.

Theo Phapluat

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load