Thứ sáu 19/04/2024 12:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chiến lược phát triển trung tâm du lịch vùng biên và kinh tế cửa khẩu thúc bất động sản Cao Bằng “vươn mình tỉnh giấc”

19:19 | 15/10/2021

(Xây dựng) – Thời gian qua, Cao Bằng đã huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn vốn, tăng cường xã hội hóa để đầu tư, đẩy mạnh hạ tầng giao thông đô thị nhằm phát triển kinh tế địa phương, thu hút nhà đầu tư. Đây cũng là cơ hội để thị trường bất động sản vùng biên được “vươn mình thức giấc”.

chien luoc phat trien trung tam du lich vung bien va kinh te cua khau thuc bat dong san cao bang vuon minh tinh giac
Cao Bằng có nhiều địa danh du lịch kỳ vỹ (Ảnh: Internet).

Chiến lược trở thành trung tâm du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu

Cao Bằng đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược đó, Cao Bằng đã đề ra những chương trình trọng tâm nhằm tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt, trong đó có: Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số và quy hoạch sân bay gắn với liên kết vùng và liên kết vùng). Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Cao Bằng.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, Cao Bằng tập trung tháo gỡ những khó khăn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng làm đến đâu dứt điểm hiệu quả đến đó, không để dở dang, không làm dàn trải. Khai thác và phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Trong năm 2020, chỉ tiêu phát triển giao thông được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều bước đột phá mới ở địa phương. Nổi bật là sau nhiều năm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tỉnh Cao Bằng đã động thổ tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư lên đến gần 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư trên 12 nghìn 500 tỷ đồng (tương đương 135 tỷ đồng/km). Tuyến cao tốc được đầu tư sẽ kết nối giao thông của tỉnh với các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh trong khu vực.

chien luoc phat trien trung tam du lich vung bien va kinh te cua khau thuc bat dong san cao bang vuon minh tinh giac
Đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có chiều dài 115km (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Tuyến đường phía Nam, khu đô thị mới thành phố là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển đô thị của thành phố. Đây là trục đường quan trọng đóng vai trò xương sống để kết nối 3 trung tâm đô thị lớn của thành phố đó là phường Hợp Giang, Đề Thám và Cao Bình. Sau hơn 10 năm triển khai, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với sự tập trung về nguồn lực, cuối năm 2020, tuyến đường đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với 6 làn xe dành cho phương tiện ôtô và 4 làn đường 2 bên dành cho các loại xe thô sơ cùng với hệ thống vỉa hè, cây xanh, cống thoát nước, đèn chiếu sáng giao thông đồng bộ hiện đại bậc nhất hiện nay tại Cao Bằng.

Điểm nhấn của năm 2020 về giao thông phải kể đến con đường tỉnh 208 từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) qua các xã Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa), xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) đến xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh). Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế các huyện biên giới, đảm bảo củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành giai đoạn 1.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư các tuyến đường vào các khu du lịch như: đường vào động hang Dơi, huyện Hạ Lang đến Khu du lịch thác Bản Giốc, Trùng Khánh; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 211 lên đường quốc lộ; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 207, đường tỉnh 216; các tuyến đường phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế của khẩu. Duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư

Được biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh này đạt 46.376 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 10%/năm. Thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đăng ký đầu tư nhiều dự án lớn vào tỉnh như: Tập đoàn TH, TNG Holdings Việt Nam, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Hitech Fram Hàn Quốc... Đến nay, địa bàn tỉnh có trên 300 dự án được triển khai với tổng vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng.

chien luoc phat trien trung tam du lich vung bien va kinh te cua khau thuc bat dong san cao bang vuon minh tinh giac
Vẻ đẹp thành phố Cao Bằng về đêm (Ảnh: VOV).

Cao Bằng đã nắm bắt được tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương. Do vậy, trong giai đoạn mới, khi điều kiện về nguồn vốn đầu tư công ngày càng khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách về sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, thực hiện.

Để xây dựng, mở rộng và phát triển đô thị, năm 2021, thành phố Cao Bằng triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch thực hiện các dự án hạ tầng phát triển đô thị; thu hút, mời gọi đầu tư cũng như tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh Cao Bằng.

Năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất và GPMB thành phố được giao phối hợp tổ chức thực hiện GPMB đối với 26 dự án, trong đó có 21 dự án chuyển tiếp và 5 dự án, hạng mục thuộc dự án cũ được thực hiện mới với diện tích GPMB khoảng 99,17 ha của 809 hộ dân. Trọng tâm là các dự án phát triển đô thị của khu vực hai bên đường phía Nam (Khu A).

chien luoc phat trien trung tam du lich vung bien va kinh te cua khau thuc bat dong san cao bang vuon minh tinh giac
Đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng có tổng chiều dài gần 5,9km, đây là tuyến đường hiện đại, đẹp nhất trong hệ thống giao thông tại tỉnh Cao Bằng (Nguồn: Internet).

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và GPMB thành phố Hoàng Trường Giang đã chia sẻ rằng, nhờ làm tốt công tác GPMB, thời gian qua, thành phố Cao Bằng đã tạo nhiều mặt bằng sạch triển khai thực hiện các dự án hạ tầng phát triển đô thị, đặc biệt là khu đô thị mới Đề Thám cũng như thu hút, mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển đô thị khu vực hai bên đường phía Nam. Đồng thời, tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho tỉnh.

Cao Bằng là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch, việc phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, phát triển về cơ sở hạ tầng với việc đẩy mạnh quy hoạch các khu đô thị, phát triển hệ thống giao thông, các hạng mục thiết yếu... là điều kiện tiên quyết để thu hút nhà đầu tư đến với địa phương đầy tiềm năng này. Nhất là từ khi đưa tuyến đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng vào sử dụng đã tạo ra cảnh quan, không gian đô thị mở cho thành phố đã và đang hình thành nhiều khu đất có tiềm năng về đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Nhờ vậy, thị trường bất động sản có dấu hiệu sôi động hẳn lên.

Mua bán, kinh doanh bất động sản hiện đang là dịch vụ mới khiến nhiều người quan tâm tìm hiểu. Đặc biệt khi tỉnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng thì lĩnh vực này mở ra triển vọng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động, tạo cho thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh ngày càng rõ nét hơn.

Huyền Lê (T/h)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load