(Xây dựng) – Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Tuấn 123, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Bất động sản cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách, cũng là thời điểm thị trường bất động sản sôi động trở lại ở một số phân khúc, đặc biệt là phân khúc thổ cư. Đất nền thổ cư Hà Nội tăng giá 100% trong dịch, Việt Kiều đã từng chốt mua cả dịp Tết Âm lịch.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Bất động sản Tuấn 123, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Bất động sản. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Anh Tuấn - là nhân vật đầu tiên đại diện cho Môi giới thổ cư được bầu vào Thường vụ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ II (2021-2026) về diễn biến kịch tính của đất nền thổ cư Hà Nội cũng như nhận định thị trường của ông Tuấn về phân khúc đặc biệt hấp dẫn này.
PV: Xin ông cho biết thị trường bất động sản phân khúc đất nền thổ cư Hà Nội hiện nay có diễn biến gì đặc biệt?
Ông Phạm Anh Tuấn: Cho đến thời điểm này, việc mua bán đất thổ cư, nhà phố trong nội thành Hà Nội đang bắt nhịp trở lại, tỷ lệ giao dịch sẽ phục hồi bởi các lệnh giãn cách, phong tỏa đã thay đổi phương án, mọi hoạt động được trở lại bình thường.
Những người có nhu cầu ở thực hoặc cho thuê chủ yếu mua những căn nhà với mức tài chính trên 10 tỷ,với những bất động sản giá trị dưới 6 tỷ phần lớn dành cho người ở tỉnh về chiếm khoảng 80%, lý do là sau dịch các tỉnh vẫn chưa thể lên, xuống Hà Nội thường xuyên. Có thể thấy lượng tiền đổ vào nhà thổ cư là lượng tiền thật, còn rất nhiều giao dịch trên thị trường, bằng chứng tại các văn phòng công chứng vẫn tấp nập.
Trong những năm 2012 -2013, bất động sản thổ cư vẫn mua bán, chỉ có các phân khúc khác không giữ được ổn định, giá bị thổi phồng, lên xuống thất thường, đóng băng. Đối với bất động sản thổ cư vẫn là nhu cầu thực, mua thực và bình ổn về giá.
Với phân khúc này, lượng đầu tư ít, đầu tư qua một đời chủ, một đời trung gian rồi cũng chuyển về tay người dùng, để ở hoặc cho thuê, cũng là tài sản để cất tiền, giữ tiền. Chính vì đầu tư rất ít, cho nên được mua bán thường xuyên.
Trong lúc đại dịch, thiên tai hỏa hoạn, chiến tranh, người dân cảm thấy bất an. Chính vì thế họ sẽ phải nghĩ đến những “hầm trú ẩn” an toàn đó là bất động sản thổ cư, bởi đầu tư vào chứng khoán hay gửi ngân hàng cũng đều có rủi ro.
PV: Ông đánh giá như nào về tình trạng nhiều đất nền thổ cư Hà Nội có diễn biến tăng giá lên đến 100% ở một số khu vực?
Ông Phạm Anh Tuấn: Tôi thấy bất động sản ngoại ô có thể lên nhanh nhưng cũng chưa là thật, 5 năm sau có thể giữ nguyên hoặc tăng 2 -3 lần nhưng đối với thổ cư thì cứ bình bình mà lên. Trong nội đô Hà Nội, 10 năm tăng 10% mỗi năm tăng 1% với phân khúc nhà dưới 10 tỷ, năm 2010 căn nhà 30m2, 5 tầng khoảng 3 tỷ đến 3 tỷ 3, thì bây giờ mua từ 3 tỷ 3 đến 3 tỷ 6, chỉ số tăng rất thấp. Tuy nhiên đất ngoại ô tăng 50-100% trong 10 năm qua, khu vực ngoại ô như Yên Nghĩa, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm giờ đây như biệt thự Vinhomes Riverside đã tăng khoảng 100%.
Ở Mỹ, Canada hay Úc đều tăng, thậm chí có những nơi ở Mỹ còn tăng hơn 100%. Việc giá đất tăng nhanh hay chậm tùy theo khống chế dịch bệnh cũng như việc điều tiết kinh tế, phân phối đồng tiền của Chính phủ cũng như các quan hệ quốc tế. Thế nhưng, các nước điều phối tốt, quan hệ mở thì chắc chắn đồng tiền chuyển về kinh doanh đầu tư, sẵn sàng chuyển về các doanh nghiệp, đầu tư nhiều hơn thì sẽ giảm bớt phần nào, tuy nhiên bất động sản thổ cư vẫn luôn luôn giữ nhịp.
PV: Ông đánh giá lượng kiều hối và khả năng mua đất thổ cư Hà Nội vào mỗi dịp cuối năm như thế nào?
Ông Phạm Anh Tuấn: Hàng năm cứ vào dịp sát Tết, Việt kiều Mỹ và các nước châu Âu thường tranh thủ về Việt Nam mua nhà. Có những thời điểm sát Tết hoặc trong Tết, Sàn giao dịch bất động sản Tuấn 123 vẫn giao dịch bình thường, họ tranh thủ về mua xong rồi lại quay trở về nước. Vì đất đai vẫn là tài sản lớn, người ta cần nhìn thấy, tự mình kiểm định sẽ yên tâm xuống tiền.
Nhà đầu tư và người sử dụng hãy cứ yên tâm đầu tư đất thổ cư trong nội thành, nó sẽ lên nhưng quan trọng là lên bao nhiêu. Phân khúc này sẽ gồng chịu đựng trong một thời gian và sau đó sẽ bộc phát như trong Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây hơn 10 năm vẫn giữ nguyên giá nhưng cho đến thời điểm năm 2019 đã tăng lên 50%. Ngay giai đoạn này, phân khúc bất động sản thổ cư đang nén lại và nhận đinh trong 5 năm tới sẽ có một đợt tăng giá gồm cả các khu nội thành cũng như các khu ngoại ô.
PV: Ông nhận định gì về xu hướng đất thổ cư các đô thị vệ tinh các huyện ngoại thành Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoà Lạc? Khả năng tăng giá như nào thưa ông?
Ông Phạm Anh Tuấn: Đất ven đô hiện đang được đẩy lên bằng đất nội thành thì đó là điều vô lý, đất ở trong không thể nào thấp hơn ở ngoài được, các quốc gia trên thế giới cũng đều như vậy.
Ngoài khu vực Long Biên có những nhà 5 tầng, ngõ xe máy có giá ngang với giá nội thành, rõ ràng đang sai về quy luật. Năng lực kinh tế Việt Nam không thể đi xuống và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Vậy bắt buộc giá trị bất động sản phải cất lên, tôi tin chắc 5 năm tới bất động sản thổ cư trong nội thành sẽ tăng lên.
Những khu vực ven đô như: Láng Hòa Lạc, Đông Anh, Mê Linh… phát triển thì những thị trường này sẽ có lợi cho người dân địa phương. Những người khó khăn bỗng dưng đất có giá thì họ phất lên, còn những nhà đầu tư có tài chính tốt thì họ đắp chỗ này bù chỗ kia, những nhà giàu họ mua vào rồi để đấy, chờ giá lên thì bán, kể cả 5-10 năm sau họ vẫn có thể chờ được. Về dài hạn, giới đầu tư đất nhà giàu không sợ lỗ mà chỉ có tiếp tục giàu lên.
Tuy nhiên, xin khuyến cáo những nhà đầu tư đi vay ngân hàng, chưa đủ dư thì không nên mạo hiểm đầu tư những vùng ngoại ô, rất nhiều bạn trẻ đã thất bại khi đầu tư ở thị trường này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kiến Tài
Theo