Thứ bảy 15/02/2025 02:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống:

“Cây gậy” pháp lý xử lý công trình xây dựng vi phạm

08:35 | 14/02/2025

Trên cơ sở kế thừa Điều 20 của Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung một số nội dung mới có tính đặc thù, nổi trội nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực.

Điều này nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Đây cũng là cơ sở để chính quyền địa phương có “cây gậy” xử lý triệt để các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

“Cây gậy” pháp lý xử lý công trình xây dựng vi phạm
Lực lượng chức năng ngừng cấp điện với 29 trường hợp tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tháng 6-2024. Ảnh: Hiếu Thanh

Mở rộng phạm vi, lĩnh vực xử lý

Một trong những điểm ấn tượng trong Luật Thủ đô năm 2024 là quy định thêm 6 lĩnh vực (quảng cáo; phòng cháy, chữa cháy; an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội) cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, cùng với 3 lĩnh vực (văn hóa, đất đai và xây dựng) đã được quy định tại Luật Thủ đô năm 2012. Địa bàn áp dụng được mở rộng ra toàn thành phố, có tính bao quát hơn so với quy định chỉ thực hiện ở khu vực nội thành như Luật Thủ đô năm 2012 (Điểm a, Khoản 1, Điều 33).

Theo đó, bên cạnh việc trao cho HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 9 lĩnh vực như trên, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép Hà Nội áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai với nội dung quy định.

Các công trình thuộc diện bị cắt điện, nước còn bao gồm: Xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy hay thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, thực tế, đây không phải giải pháp mới. Trước đó, việc cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm từng được quy định tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Dù chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn (đến ngày 15-1-2015) do Luật Xây dựng năm 2014 đã bỏ quy định này, song biện pháp này đã tác động rất lớn đến đối tượng có hành vi vi phạm. Mục đích, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đạt được, phù hợp với thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật hiện nay.

Siết các công trình vi phạm

Trước đó, qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã xác định trên địa bàn Hà Nội có 10.494 công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Nhiều công trình vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước nên khó xử lý, tiến độ khắc phục chậm… Do đó, các chuyên gia pháp lý, chính quyền địa phương đều kỳ vọng Luật Thủ đô năm 2024 là cơ sở để các quận, huyện, phường, xã có “cây gậy” pháp lý đủ mạnh để xử lý triệt để công trình vi phạm.

Cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 19-11-2024, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố. Theo nghị quyết, có 8 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy sẽ buộc phải áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước: Công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm; công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy… Người có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là Chủ tịch UBND các cấp nơi có công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh bị áp dụng biện pháp này.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngay từ những ngày đầu năm 2025, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn cho đại diện lãnh đạo UBND, phòng Tư pháp, trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường, công an phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và giải đáp các khó khăn vướng mắc, tình huống có thể phát sinh khi áp dụng nghị quyết.

Ở cấp cơ sở, Hoàn Kiếm là quận đi đầu, đã tập huấn cho Bí thư, Chủ tịch UBND quận; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, lãnh đạo và cán bộ Công an quận, Công ty Điện lực, đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch; lãnh đạo và cán bộ Công an phường; công chức tư pháp - hộ tịch; công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; công chức văn hóa - xã hội; chi hội trưởng chi hội luật gia; tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn.

Song, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, cần tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước theo đúng tinh thần của Luật Thủ đô. Các đơn vị chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của nghị quyết đến các cá nhân, tổ chức để tạo được sự đồng thuận, thống nhất, kịp thời trong việc thực hiện.

Theo Hà Phong/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load