Thứ bảy 04/05/2024 01:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Cây Đa hồn Việt” - tấm lòng của con dân miền Đông tưởng nhớ các Vua Hùng

14:56 | 25/04/2023

(Xây dựng) - “Cây Đa hồn Việt” – nơi thờ các Vua Hùng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, thị xã Bến Cát là công trình tâm huyết của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hoà dành cho bà con miền Đông Nam bộ khi chưa có điều kiện về Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ.

“Cây Đa hồn Việt” - tấm lòng của con dân miền Đông tưởng nhớ các Vua Hùng
Người dân các nơi thường xuyên tới “Cây Đa hồn Việt” để tưởng nhớ các Vua Hùng.

Công trình được dựng từ tâm huyết người Việt

Thấu hiểu tình cảm của đa số người dân miền Đông Nam bộ, trong đó có bà con nông dân và công nhân lao động khi chưa có điều kiện về Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hoà đã thiết kế xây dựng “Cây Đa hồn Việt” và tổ chức Giỗ Tổ hàng năm mở cửa đón cư dân địa phương đến thắp hương chiêm bái khi chưa có điều kiện về đất Tổ.

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Hiền Triết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hoà: Khi bắt đầu thiết kế, xây dựng công trình, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT đã cùng các nhà khoa học lịch sử, nhà văn hoá, nhà nghiên cứu ra tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu kỹ lịch sử và về Đền Hùng nghe, học kỹ từng các nghi thức tín ngưỡng, nội dung các câu đối, liễn thờ, bài văn tế. Sau đó, đoàn trang nghiêm làm lễ thỉnh từng chung nước, nắm đất nơi đất tổ đưa về Bình Dương tôn thờ trên bàn thờ Quốc tổ.

“Lễ Giỗ Tổ là cơ hội để các tầng lớp nhân dân bày tỏ tình cảm, tấm lòng thành kính lên Quốc tổ, nên được tổ chức rất trang nghiêm. Người dân đến chiêm bái thể hiện niềm ước ao của con dân miền Nam nói chung, trong đó có con dân miền Đông Nam Bộ luôn hướng về tổ tiên của mình khi chưa đủ điều kiện về Đền Hùng”, ông Nguyễn Hiền Triết chia sẻ.

Cây Đa hồn Việt, biểu tượng của người cha

Bằng tất cả tình cảm, tấm lòng của người con dân phương Nam, ông Nguyễn Văn Thiền đã nhiều năm nghiên cứu, chọn lựa biểu tượng vì ngoài các yêu cầu về truyền thống văn hoá, khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Bình Dương phải thể hiện nét văn hoá riêng trong tổng thể khu tưởng niệm.

Ông Thiền chia sẻ: Lịch sử văn hoá của chúng ta thường ví tình mẹ bao la như biển cả, công lao người cha như cây cổ thủ vươn mình che bóng mát cho đàn con. Vì vậy, chúng tôi chọn thiết kế nơi thờ các Vua Hùng có hình dáng cây Đa để thể hiện tình cảm, tính vững mạnh của người cha.

“Cây Đa hồn Việt” - tấm lòng của con dân miền Đông tưởng nhớ các Vua Hùng
Nơi thờ cúng các Vua Hùng tại Bình Dương mang hình dáng cây Đa.

“Cây Đa hồn Việt” có kiến trúc 1 trệt và 4 tầng lầu. Sảnh trệt là nơi dừng chân nghỉ ngơi, tham quan cho quý khách. Các tầng còn lại là nơi thờ phụng các Vua Hùng, thờ thổ thần, thờ Phật.

Hàng năm, đến ngày Giỗ Tổ, lễ cúng quy tụ nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà văn hoá và Ban Quản trị các khu di tích lịch sử, đình thần trong và ngoài tỉnh. Phần lễ gồm các nghi thức truyền thống như rước lễ, dâng lễ, đọc kỳ văn. Phần hội sẽ kéo dài với nhiều tiết mục biểu diễn cờ người, võ thuật… tái hiện lại không gian văn hoá dân tộc, phục vụ công chúng đến tham quan, chiêm bái, tưởng niệm.

Sau nhiều năm tổ chức sẽ định hình thói quen của người dân trong khu vực, biến nơi đây thành điểm đến du lịch, văn hoá, tâm linh. Từ đây, tạo điều kiện cho người người dân địa phương có điều kiện làm dịch vụ, chuyển đổi kinh tế, tăng mức thu nhập, cải thiện cuộc sống, sau đó có điều kiện hành hương về đất Tổ. Đó là giá trị văn hoá, xã hội và mục đích của công trình, ông Thiền chia sẻ.

Duy Chí

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load