(Xây dựng) – Đó là thông tin được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chiều 11/6. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên gọi đây là các biện pháp ngăn chặn bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch
Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 7. Luật này, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 7.
Theo dự thảo luật, HĐND Thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung, do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.
Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tại dự thảo luật này có điểm nổi trội, ngoài mức phạt xử lý hành chính được áp dụng, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trong một số trường hợp cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, HĐND Thành phố Hà Nội được trao quyền quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Theo đó, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước sẽ được áp dụng với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy…
HĐND Thành phố Hà Nội được trao quyền quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. |
Cắt điện nước là vấn đề cực kỳ “bức xúc” đặt ra từ thực tiễn
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói cắt điện nước là “vấn đề cực kỳ bức xúc” đặt ra từ thực tiễn và đề xuất giao Hà Nội quyền này. Vì chỉ Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND Thành phố mới được quyền quyết và không có gì cao hơn “mạng sống của người dân”.
Đơn cử, “một vài hộ cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của chính mình và những người trong chung cư thì cơ quan chức năng có được vi phạm quyền của họ về vấn đề điện, nước không, hay nói cách khác là có được cắt điện, nước của những hộ vi phạm không?”.
“Xây nhà quá tầng, không có hoặc xây không đúng phương án phòng cháy, chữa cháy... thì cách tốt nhất để dừng thi công chỉ có cắt điện nước”!
Hay “người dân không cần nghiệm thu họ cứ vào ở. Khi vào rồi thì chúng ta không đưa ra được. Vì vậy, phải cắt điện nước để người ta không đưa dân vào ở được” – là những thông tin từ thực tiễn được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu ra.
Thông tin tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, quy định này đã được cơ bản các đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là biện pháp xử lý hành chính hay biện pháp ngăn chặn. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên gọi đây là “biện pháp ngăn chặn” bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật.
Nguyên Khánh
Theo