Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất nền, đất ở tới cả đất dự án treo… đều đua nhau tăng giá. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất.
Ông N.V.T, người dân thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp - gần khu vực xây sân bay Phan Thiết, trong cơn sốt đất ông bán 4 sào đất nông nghiệp với giá 8 tỷ đồng, bên mua đặt cọc 800 triệu đồng. Chỉ hai ngày sau, một người khác ngỏ ý mua lại mảnh đất đã bán với giá 11 tỷ đồng. Ông T. lại quyết định vay mượn thêm để bồi thường hợp đồng. Thế nhưng, sau cùng người hỏi mua đất giá 11 tỷ biến mất. Ông T. không biết rằng đó chỉ là chiêu trò của đội đầu cơ, cái bẫy được giăng sẵn giữa cơn sốt đất. Nhiều người dân địa phương vốn chỉ quen việc nông nghiệp như ông T. bị cuốn vào vòng xoáy sốt đất không ít người mất đất sản xuất, người gánh nợ.
Cơn sốt đất lan rộng trên cả nước, giá BĐS nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh |
Thời gian trước vợ chồng anh Nguyễn Minh Tiến (Thái Bình) có tìm một số dự án khu vực quận 12 (TP.HCM) với mức giá bình dân. Lúc đó khoảng 1,8 tỷ đến 2,1 tỷ đồng một căn hộ hai phòng ngủ. Tiền tích cóp của hai vợ chồng sau 5 năm lập nghiệp ở TP.HCM chưa đủ nên anh Tiến tính chờ dành dụm thêm. Cơn sốt đất lan rộng trên cả nước khiến giá nhà tăng quá nhanh. “Hiện tại, giá đã lên quá cao rồi, gần khu vực tôi ở đã không còn căn hộ phù hợp với túi tiền nữa” – anh Tiến chia sẻ. Vợ chồng anh đành gác việc mua căn hộ qua một bên và tiếp tục ở trọ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) kể, vừa qua có một dự án giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2. Sốt đất đang khiến cơ hội mua nhà của người dân có nhu cầu thật bị mất đi…
Những cơn sốt đất “chết yểu”
Xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) một ngày giữa tháng 3/2020, cảnh tượng chưa từng thấy ở đây, dòng người nườm nượp kéo về xem đất đông như trẩy hội họp thành “chợ đất” giữa đồng.
Chỉ từ thông tin một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đề xuất xây dựng 2 khu đô thị trên địa phận huyện Thạch Thất lập tức thổi bùng lên cơn sốt đất. Đến khi chính quyền địa phương cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của thành phố phê duyệt xây dựng khu đô thị cơn sốt nhanh chóng xì hơi sau khoảng 10 ngày. Đồng Trúc trở lại yên bình, những mảnh đất nóng hầm hập trong cơn sốt giờ vẫn bỏ không xanh cỏ.
Tại Hớn Quản, đa phần người dân địa phương sống nhờ vào nông nghiệp như trồng điều, cây cao su... việc bán đi những mẩu đất này không khác gì bán đi "cần câu cơm" |
Cuối tháng 2/2021, xã An Khương, Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Quảng Bình), những nẻo đường quê vốn yên bình, quanh co qua những vườn điều, rừng cao su xanh bạt ngàn bỗng trở nên ồn ào bởi hàng trăm chiếc ôtô biển số các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… nối đuôi nhau đổ về mua đất.
“Họ về mua đất sân bay sắp xây dựng” – một người dân địa phương nói. Từ “sắp xây dựng” ở đây thực tế mới chỉ là thông tin lãnh đạo tỉnh Bình Phước khảo sát vị trí nghiên cứu lập dự án sân bay ở huyện Hớn Quản.
Đến khi chính quyền huyện có văn bản chỉ đạo khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch mua bán BĐS cơn sốt đất tại Hớn Quảng xì hơi chỉ sau vỏn vẹn gần 10 ngày.
Giải mã cơn sốt
Không chỉ ở Thạch Thất hay Hớn Quản theo thống kê, thời gian qua, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Kon Tum, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…
GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho rằng tình trạng sốt đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng BĐS sốt nóng, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cảnh báo tình trạng giá BĐS nhiều khu vực tăng mạnh, “nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh”.
Ông Dũng nhận định, một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá BĐS nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp BĐS và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế.
Việc chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế |
Ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cơn sốt đất lần này còn có yếu tố quy hoạch. “Khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và Trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng quy hoạch cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ có tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch” – ông Bình phân tích.
Tổng lực chặn sốt đất
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng "bong bóng" BĐS, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong đó, NHNN cần giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực BĐS.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định tín dụng BĐS là một trong những lĩnh vực mà ngành ngân hàng quản lý rất sát, chặt chẽ. Với các đối tượng đầu cơ BĐS hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao, Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đồng thời có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng.
Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, BĐS; đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.
Trong khi đó, Bộ TN&MT đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS để bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Chính quyền Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị…cũng mạnh tay ban hành các văn bản, chỉ thị tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.
Nhiều chuyên gia BĐS đồng tình để kiểm soát sốt đất thì cần phải công khai minh bạch quy hoạch nhất có thể tới người dân, doanh nghiệp.
Đề xuất ở góc độ quản lý nhà nước từ kinh nghiệm của một số nước, theo Chủ tịch HoREA cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao trong việc mua đi, bán lại BĐS để hưởng giá chênh. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều BĐS và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.
Luật sư Trần Thanh Quyết nêu ý kiến cần xem xét bổ sung vào Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hình sự tội “thổi giá đất”. Theo luật sư Quyết, quy định về tội đầu cơ (Điều 196) hiện nay không còn phù hợp để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trên thực tế như tình trạng sốt đất hiện nay. Đồng thời, cần bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.
Theo Hồng Khanh/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/cat-con-sot-dat-tu-bac-chi-nam-727496.html