Chủ nhật 28/04/2024 22:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cấp nước phòng cháy chữa cháy cho các khu đô thị, khu công nghiệp: Tăng cường trách nhiệm quản lý

14:30 | 30/08/2023

(Xây dựng) – Thời gian qua, nhiều địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện rà soát, cải tạo, duy tu và đầu tư xây dựng, lắp đặt mới các trụ nước chữa cháy, điểm lấy nước cho xe chữa cháy trên địa bàn. Đặc biệt, tại các đô thị, khu công nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực về cấp nước phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Cấp nước phòng cháy chữa cháy cho các khu đô thị, khu công nghiệp: Tăng cường trách nhiệm quản lý
Quy hoạch cấp nước PCCC là một nội dung quan trọng trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chuyên ngành cấp nước.

Thực trạng hệ thống cấp nước PCCC

Theo báo cáo của Sở Xây dựng và Công an 63 địa phương, hiện nay có 797/1.088 đô thị, khu công nghiệp (chiếm 73,3%) đã được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy với tổng số 50.565 trụ nước chữa cháy. Như vậy, nhiều đô thị và khu công nghiệp tại các địa phương cơ bản đã được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy.

Đối với nguồn nước tự nhiên, cả nước hiện nay có 15.309 ao, hồ, kênh, mương; xây dựng được 23.705 nguồn nước nhân tạo gồm: 22.468 bể nước (chiếm 94,78%), 940 bến lấy nước (chiếm 3,97%) và 297 hố thu nước chữa cháy (chiếm 1,25%). Trong đó, có 6.865 bể nước (chiếm 28,96%), 212 bến lấy nước (chiếm 0,89%) và 78 hố thu nước chữa cháy (chiếm 0,33%) xe chữa cháy không lấy được nước.

Qua kiểm tra thực tế tại 05 địa phương cho thấy việc đầu tư, lắp đặt hạ tầng cấp nước PCCC còn thiếu do nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau, có thể kể ra như: Chưa bố trí được kinh phí; việc thiết kế, lắp đặt hệ thống còn vướng mắc do bất cập về tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC, thiếu cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong đầu tư, vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC...

Số liệu rà soát, thống kê trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 3.482 trụ nước chữa cháy được lắp đặt tại 12 quận, 17 huyện, 01 thị xã; 16 bể nước chữa cháy có khối tích từ 50m3 trở lên; 3.670 bể nước của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở có khối tích trên 20m3 có thể khai thác, sử dụng để chữa cháy; 11 hố thu nước chữa cháy tại các ao, hồ; 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, kênh, mương… có thể khai thác, sử dụng để chữa cháy; tại 08 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ cao hiện có 722 trụ nước chữa cháy do ban quản lý của các khu công nghiệp tự quản lý.

Còn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 11.883 trụ, trong đó 10.722 trụ do Công ty Cấp nước quản lý và 1.161 trụ trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Thành phố có 478 điểm lấy nước từ các hồ nước tự nhiên, kênh rạch được quy hoạch làm điểm lấy nước cho xe chữa cháy trước đây trong đó có 385 điểm cho xe và máy bơm chữa cháy lấy nước từ các hồ nước tự nhiên, kênh rạch. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện nay có 2.591 bể nước dự trữ có khối tích trên 50m3 trong các cơ sở phục vụ công tác chữa cháy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối chiếu với quy định hiện hành, thì cả 2 thành phố trên đều chưa đủ số lượng trụ nước chữa cháy, trên địa bàn Hà Nội cần lắp đặt bổ sung 6.882 trụ nước chữa cháy. Ngoài ra, có thể bổ sung các vị trí mà phương tiện chữa cháy có thể tiếp nước gồm 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh phải cần lắp đặt bổ sung lên đến 11.811 trụ nước chữa cháy tại các dự án phát triển mạng lưới tuyến ống cấp 3 của đơn vị cấp nước.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa đặt ra đối với địa bàn nông thôn và khu rừng có giá trị kinh tế cao, hầu hết các địa phương đều chưa được đầu tư lắp đặt trụ nước chữa cháy hoặc đầu tư bến bãi khai thác nguồn nước tự nhiên. Việc đầu tư, vận hành trụ nước chữa cháy và các bến bãi từ nguồn nước tự nhiên đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu thực tế.

Số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay trên địa bàn cả nước xảy ra tổng số 32.650 vụ cháy, nổ; trong đó có 524 vụ cháy thiếu nước do không có nguồn nước chữa cháy tại chỗ, phải tiến hành tiếp nước, chở nước con thoi (chiếm tỷ lệ 7%). Từ những con số trên cho thấy việc quy hoạch cấp nước PCCC chưa được quan tâm đúng mức.

Tăng cường trách nhiệm quản lý

Tại các đô thị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giao cho các đơn vị cấp nước sạch thực hiện nhiệm vụ đầu tư, quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước tại các khu dân cư, đô thị trong đó có trụ nước chữa cháy. Một số đô thị lớn được bố trí ngân sách địa phương cho đầu tư và bảo dưỡng một phần các trụ nước chữa cháy (như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội).

Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương vẫn thiếu kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư hệ thống cấp nước PCCC đô thị và khu công nghiệp. Đó là việc chưa chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các đơn vị cấp nước thực hiện đầu tư, lắp đặt và sửa chữa các trụ nước chữa cháy. Một số khu vực thiếu trụ nước hoặc áp lực nước thấp, yếu đối với khu vực mở rộng đô thị và khu đô thị cũ làm ảnh hưởng đến công tác PCCC khi có sự cố xảy ra.

Theo quy định thì kinh phí chi cho lượng nước phục vụ chữa cháy thuộc ngân sách địa phương. Thực tế có địa phương chưa bố trí khoản này trong dự toán ngân sách hằng năm hoặc có trường hợp đơn vị cấp nước không thống kê lượng nước sử dụng cho mục đích PCCC và cũng không đề nghị chính quyền địa phương trả khoản nước này.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), căn cứ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA, việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp nước chữa cháy được giao cho đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đơn vị thoát nước sẽ chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo vệ các điểm lấy nước PCCC tại các ao, hồ, sông, suối, kênh.

Nhiều địa phương giao việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cấp nước PCCC và các tuyến ống cấp nước sạch cho các Công ty nước sạch chịu trách nhiệm theo địa bàn quản lý dưới sự hướng dẫn của Sở Xây dựng. Tại khu đô thị mới và khu công nghiệp, chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoặc phối hợp đơn vị cấp nước đô thị vận hành và duy tu, bảo dưỡng; cơ quan Công an là đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước khi có cháy, nổ xảy ra.

Pháp luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng phải phối hợp với đơn vị cấp, thoát nước để xây dựng phương án bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC đô thị. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu đô thị mới phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC trong khu vực quản lý của mình. Đồng thời chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Công ty nước sạch thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, duy trì áp lực, lưu lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước, bảo đảm nguồn nước sạch sinh hoạt và cấp nước PCCC; thực hiện việc duy tu, sửa chữa, khắc phục kịp thời các hư hỏng của trụ nước PCCC.

Cấp nước phòng cháy chữa cháy cho các khu đô thị, khu công nghiệp: Tăng cường trách nhiệm quản lý
Tăng cường quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý đảm bảo nguồn nước cấp cho PCCC.

Đối với các công trình cấp nước PCCC tại các khu công nghiệp về cơ bản chủ đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã nghiêm túc tự quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa theo quy định, đảm bảo nguồn cấp nước khi có cháy nổ xảy ra, cũng như hỗ trợ cấp nước chữa cháy cho các khu vực xung quanh.

Thiết nghĩ, để đảm bảo nguồn cấp nước cho công tác PCCC tại đô thị và các khu công nghiệp trước hết các cơ quan, đơn vị quản lý tự mình nâng cao tinh thần trách nhiệm và phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau. Không nên chủ quan, lơ là bởi sự cố, rủi ro cháy nổ có thể đến bất cứ lúc nào, nếu không đủ nguồn cấp nước thì hậu quả sẽ rất lớn.

Trong thời gian tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nội dung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC. Đồng thời theo chức năng nhiệm vụ được phân công sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ nước chữa cháy, về thiết bị chữa cháy... đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load