Chủ nhật 22/12/2024 12:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thái Thụy (Thái Bình)

Cần xem xét quyền lợi chính đáng của người dân

15:05 | 31/12/2015

(Xây dựng) – Mặc dù được các thời kỳ Chủ tịch xã, các cụ cao niên xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất. Tuy nhiên khi nhà nước GPMB thực hiện dự án làm đường, gia đình bà Hoàng Thị Thơ, trú tại xã Thái Tân, Thái Thụy (Thái Bình) đã không hề được đền bù GPMB. 


Mặc dù được xác nhận nguồn gốc nhưng mảnh đất của gia đình bà Thơ không được công nhận và không được đền bù

Theo nội dung đơn phản ánh của bà Hoàng Thị Thơ, trú tại xã Thái Tân, Thái Thụy (Thái Bình) đại diện dòng họ Phạm Đình gửi Báo Xây dựng: Mảnh đất có diện tích 825 m2 tại xã Thái Tân hiện nay thuộc quyền quản lý của dòng họ Phạm Đình. Mảnh đất được ông cha chúng tôi sử dụng từ những năm 1945 đến hiện nay, việc này có xác nhận của các thời kỳ Chủ tịch xã, các cụ cao niên và qua hai lần đo đất năm 1981, 2006 gia đình đều được mời ra tham dự đo đạc.

Ngoài ra, năm 2006 ông Dương là Đội trưởng Đội sản xuất xóm 1 cùng một số cán bộ mang máy đo đạc đến, mời gia đình ra xác định chỉ giới đường thực hiện dự án mở rộng đường 39B và đã xác định diện tích đất gia định bị GPMB. Hiện nay dự án đang được triển khai, các hộ dân khác cũng đã được đền bù, hỗ trợ khi mất đất, nhưng mảnh đất của dòng hộ tôi không hề nhận được phương án hay một đồng tiền đền bù nào.

Phóng viên Báo Xây dựng đã trực tiếp về địa phương xác minh, theo đó ông Phạm Đình Dương (trước kia là Đội trưởng Đội sản xuất xóm 1), ông Phạm Đình Lợi 62 tuổi, ông Phạm Văn Tăng 55 tuổi, ông Phạm Đình Cải 66 tuổi, đều trú tại xóm 1 xã Thái Tân xác nhận mảnh đất của gia đình bà Thơ và dòng họ Phạm Đình sử dụng từ lâu và do ông cha để lại.

Ngoài ra phóng viên đã tìm gặp được ông Vũ Tiến Chinh, Nguyên Chủ tịch xã Thái Tân nhiệm kỳ từ năm 1976 đến năm 1987, sau đó ông chuyển sang làm Bí thư xã. Ông Chinh cho biết: Đất đai được quản lý qua từng thời kỳ khác nhau, có giai đoạn đất được đưa vào HTX quản lý, khi làm ăn không hiệu quả thì chuyển sang đất khoán cho hộ gia đình  theo Nghị quyết 10, Nghị quyết khoán hộ, khoán thẳng..

Để xác định nguồn gốc mảnh đất của gia đình bà Thơ, ông Trường (Chủ tịch UBND xã Thái Tân) đã mời anh em chúng tôi đến họp xác định nguồn gốc đất, nguồn gốc đất này của mấy anh em ông Yêm, ông Nghị , ông Lữ, ông Chử, ông Khu (tên chồng và 2 người anh chồng của bà Thơ–PV). Hôm họp đã xác định nguồn gốc của gia đình, còn đền bù hay không là của nhà nước, nhưng nguồn gốc chính là của gia đình.

Làm việc với UBND xã Thái Tân, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thái Tân cho biết: Nguồn gốc đất nhà bà Thơ trước đây là đất cha ông để lại, nhưng theo bản đồ 299 từ giai đoạn năm 1981-1986, sổ mục kê do UBND xã quản lý, bản đồ hiện trạng năm 2006 thì mảnh đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Thái Tân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, UBND xã qua các thời kỳ đều xác nhận về nguồn gốc sử dụng mảnh đất của gia đình, buổi họp năm 2012 do UBND xã chủ trì đã xác nhận nguồn gốc mảnh đất của gia đình bà Thơ quản lý sử dụng, không có tranh chấp với ai, buổi họp đã được thành lập biên bản, ký đóng dấu của Chủ tịch xã. Vậy nay khi GPMB hộ gia đình bà Thơ không được đền bù, hỗ trợ GPMB. Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết: Đối với nguồn gốc đất của nhà bà Thơ, trước đó Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện đã chỉ đạo những chỗ có vướng mắc là tìm nguồn gốc, thì nguồn gốc tại bản đồ 299 đã thể hiện, trước đó có thể nguồn gốc đất là đất gia đình. Tuy nhiên theo bản đồ 299 và năm 2006 thì không thể hiện mà là đất hoang. Việc này UBND xã đã báo cáo lên Trung tâm phát triển quỹ đất, nhưng các anh không nhất trí để đưa vào GPMB.

Ông Đinh Thanh Nghị, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thái Thụy cho biết: Dự án đường 39B đi địa bàn xã Thái Tân có chiều dài 1,8 km, trên 300 hộ dân liên quan đến đất ở. Hiện vẫn còn 6 hộ dân vướng mắc trong đó có nhà bà Thơ.

Về trường hợp nhà bà Thơ, bản đồ hiện trạng năm 2006 được phê duyệt làm căn cứ. Đối với nguồn gốc đất, bản đồ hiện trạng năm 2006 và trích lục GPMB là thửa số 276 tờ bản đồ 20 tỷ lệ 1/1000, loại đất BCS (đất bằng chưa sử dụng) theo Luật Đất đai thì đất này là của xã Thái Tân, diện tích 758,3m2, diện tích thu hồi 646,2m2.  Đối với đơn khiếu nại của bà Hoàng Thị Thơ, Trung tâm phát triển quỹ đất đã có văn bản trả lời: Theo đó, nguồn gốc theo bản đồ 299 của xã Thái Tân từ năm 1982-1986 là thửa số 164 tờ số 6, loại đất ĐH (đất hoang), diện tích 825m2 chủ sử dụng là UBND xã Thái tân, tất cả các hồ sơ lưu giữ lại kết hợp với bản đồ năm 2006. Do vậy đối với mảnh đất của gia đình bà Thơ không có cơ sở để xác nhận đất đấy là đất của gia đình, bản thân năm 1982-1986 đo đạc đã khẳng định đây là đất hoang rồi. Qua mấy lần đối thoại giữa các Sở, ban ngành thì các con cháu của gia đình đều khẳng định đất này là đất ông cha, việc đo đạc là thiếu sót của cán bộ xã.

Ông Phan Đình Dực, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cho biết: Công tác GPMB giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất xác minh nguồn gốc, dựa trên các hồ sơ quản lý tại các địa phương làm căn cứ đền bù về đất. Thực tế trong quá trình GPMB nếu không làm đúng theo các quy định của pháp luật thì người dân sẽ có ý kiến, sau này sẽ có nhiều cơ quan chức năng vào để thẩm tra, tuy nhiên huyện đã chỉ đạo các cấp ban ngành vận dụng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Đối với khu vực xã Thái Tân, một số hộ còn lại do hồ sơ nguồn gốc đất không rõ ràng, các hộ gia đình không có hồ sơ thủ tục chứng minh về nguồn gốc của gia đình. Cũng mong muốn thông qua các cơ quan báo chí ngôn luận vào cuộc tuyên truyền, công khai những quy định pháp luật về đất, chính sách đất đai để người dân được biết. Nếu người dân có giấy tờ, chứng minh được nguồn gốc về đất thì huyện sẽ sẵn sàng giải quyết các chế độ chính sách về đất.

Ông Phạm Đình Lanh cho biết: Mảnh đất hương hỏa 825 m2 là của dòng họ Phạm Đình, của ông cha chúng tôi để lại, gia đình tôi còn là gia đình liệt sỹ, với 10 người là con cháu đều tham gia kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng hiện nay mảnh đất của gia đình bị thu hồi để GPMB làm đường, không hề được thừa nhận chủ quyền, cũng không hề được đền bù là ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình.

Trước những phản ánh của người dân và căn cứ vào xác nhận của những nhân chứng sống, đề nghị các cấp có thẩm quyền tỉnh Thái Bình ra soát, xem xét sự việc, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ngày 30/12/2015, ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với UBND huyện Thái Thụy và kiểm tra tiến độ, công tác GPMB dự án mở rộng đường 39B. Được biết, tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Ca đã đề nghị UBND huyện tập trung đảm bảo tiến độ dự án, rà soát những trường hợp chưa được đền bù GPMB để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với Tổng Biên tập Báo Xây dựng, ông Phạm Văn Ca cho biết thêm: Ông đã chỉ đạo huyện giao thanh tra làm rõ vụ việc. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận với kết quả xác minh của thanh tra huyện thì giao thanh tra tỉnh làm rõ. Mục đích cuối cùng là đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm của nhà nước và tỉnh phục vụ lợi ích cộng đồng đảm bảo lợi ích của công dân theo đúng quy định pháp luật.

 

Vũ Chiến – Thành Luân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load