Thứ sáu 26/04/2024 15:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần xây dựng hệ thống quản lý phế thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường từ phế thải xây dựng

19:20 | 28/03/2022

(Xây dựng) - Nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam, Dự án SATREPS về quản lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD) được thực hiện bởi trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN), Việt Nam và Đại học Saitama, Nhật Bản. Dự án được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA) và Cơ quan khoa học và công nghệ (JST) Nhật Bản. Dự án với tên gọi “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”.

can xay dung he thong quan ly phe thai va kiem soat o nhiem moi truong tu phe thai xay dung
Hiện tượng thấm nước mưa tương ứng với các bề mặt khác nhau.

Tại Việt Nam, phế thải xây dựng là loại phế thải đặc biệt và tăng trưởng rất nhanh, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Tuy nhiên, hệ thống quản lý, cơ sở tái chế còn chưa đủ năng lực, không đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Do đó, Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2025 đã được nghiên cứu xây dựng, trong đó có dự án SATREPS. Đây là dự án thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững giữa JICA và Tổ chức khoa học công nghệ Nhật Bản (JST). Tại Việt Nam, dự án được trường Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện, trong thời gian 5 năm (2018-2023). Tại Đà Nẵng, Dự án sẽ thực hiện từ năm 2020 – 2025 với 3 giai đoạn (2020 - 2021; 2021 – 2022; 2022 – 2025).

Dự án SATREPS hình thành với mục tiêu phát triển hệ thống quản lý tái chế phế thải xây dựng thân thiện môi trường, nâng cao nhân lực và đào tạo đội ngũ chuyên môn, công nghệ cao trong lĩnh vực tái chế phế thải xây dựng. Các hoạt động chính của dự án trong giai đoạn 1 gồm: Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn, quy định về quản lý và tái chế phế thải xây dựng Việt Nam; Phát triển công nghệ mới tái chế từ tận dụng hợp lý phế thải xây dựng, ứng dụng trong một số lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường; Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược cho việc tái chế phế thải xây dựng và kế hoạch khả thi tái chế phế thải xây dựng nhằm đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý phế thải xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Hiện nay, một phần kết quả nghiên cứu của Dự án SATREPS đã được trường Đại học Xây dựng Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng xem xét ban hành các hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn, quy định về quản lý và tái chế phế thải xây dựng Việt Nam.

can xay dung he thong quan ly phe thai va kiem soat o nhiem moi truong tu phe thai xay dung
Thi công thí điểm đường bê tông thấm nước tại khuôn viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Theo đó, việc ứng dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là rất cần thiết để góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường, tái chế phế thải tạo ra vật liệu mới, ứng dụng cho các loại hình kết cấu mới đăc biệt ứng dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của Dự án là nhằm xây dựng hướng dẫn cần thiết cho việc quản lý CTRXD thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật liệu tái chế từ CTRXD, phát triển công nghệ mới tận dụng các vật liệu tái chế từ CTRXD và đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược để thúc đẩy tái chế CTRXD tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra hiệu quả và tính khả thi của chúng thông qua các dự án thí điểm.

Qua các mục tiêu đó, Dự án đóng góp vào việc đạt được tỷ lệ tái chế CTRXD là 60% đáp ứng chiến lược quốc gia của Việt Nam về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 thông qua việc áp dụng các công nghệ và mô hình kinh doanh phát triển vào các doanh nghiệp tái chế thực tế. Trong khuôn khổ của Dự án SATREPS và Dự án hợp tác giữa trường ĐHXDHN và Công ty Ecosystem, Nhật Bản, do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ, sản phẩm bê tông rỗng tiêu thoát nước từ CTRXD đã được nghiên cứu và thi công thí điểm tại khuôn viên trường ĐHXDHN và Khu công nghiệp DEEP–C, Hải Phòng. Bê tông rỗng tiêu thoát nước từ CTRXD có nhiều ưu điểm vượt trội so với bê tông thường và bê tông asphalt như: Giảm hiện tượng ngập úng, đặc biệt ở khu vực đô thị; Loại bỏ hiện tượng nước đọng trên bề mặt đường; Làm giảm nhiệt độ của mặt đường và không khí thông qua “hiệu ứng đảo nhiệt”; Hấp thụ âm thanh, chống trơn trượt; Hỗ trợ phát triển thực vật; Bổ sung mực nước ngầm do khai thác.

can xay dung he thong quan ly phe thai va kiem soat o nhiem moi truong tu phe thai xay dung
Thi công thí điểm đường bê tông thấm nước tại Khu công nghiệp DEEP–C (Hải Phòng).

Theo đó, công nghệ bê tông này được dự báo áp dụng rộng rãi các đô thị nhằm hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra thị trường mới cho lĩnh vực xây dựng.

Đặng Ngân – Thu Hiền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load