Thứ năm 25/04/2024 21:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần ưu tiên phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường

17:08 | 12/08/2020

(Xây dựng) - Ngày 11/8, trong khuôn khổ kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

can uu tien phat trien vat lieu xay dung than thien voi moi truong
Quang cảnh tọa đàm.

Dự tọa đàm có ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, các Hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu, trong đó có ngành công nghiệp vật liệu xây dựng.

Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.

Khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành vật liệu xây dựng trong nước cũng chịu sự tác động của các xu thế phát triển trên thế giới. Do đó, việc ban hành các chủ trương, chính sách để ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển nhanh và bền vững là một yêu cầu cấp bách.

Tọa đàm “Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là dịp để các chuyên gia, đơn vị trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đóng góp ý kiến phục vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.

Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều khẳng định, trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển, nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất xi măng, theo TS. Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Công nghiệp xi măng vừa chịu sự quản lý của Bộ Xây dựng, vừa của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì vậy thiếu sự phối hợp đồng nhất.

Theo TS. Nguyễn Quang Cung, xi măng Việt Nam đã chuyển giai đoạn từ nhập khẩu xi măng, clinker, từ kêu gọi đầu tư sang giai đoạn cung vượt cầu, xuất khẩu mạnh nhưng cơ chế chính sách chậm thay đổi. Do đó, cần chuyển sang giai đoạn đầu tư có kiểm soát, đầu tư theo tầm nhìn chiến lược quốc gia.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia quan tâm, tập trung thảo luận những vấn đề như cần thay đổi chính sách phân cấp cho địa phương sang quản lý đầu tư mang tính tập trung; ưu tiên phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; tận dụng được phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu sản xuất; làm thế nào để hội nhập thế giới nhưng vẫn bảo vệ được sản xuất trong nước?…

TS. Thái Duy Sâm - Tổng Thư ký Hiệp hội vật liệu xây dựng cho rằng, cần sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường như chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm và môi trường; nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét để sản xuất gạch nung; bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí trong công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng thay thế nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, máy móc sản xuất vật liệu xanh...

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường khu vực và thế giới đối với từng loại sản phẩm vật liệu xanh để giúp các nhà đầu tư, kinh doanh có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư nâng cấp và đầu tư mới đạt được hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào gây lãng phí tài nguyên, tiền vốn chung của đất nước và của xã hội.

Để hoàn thiện chính sách phát triển vật liệu xây dựng, đại diện Hiệp hội Gốm sứ cũng đề nghị được phép kiểm tra đầu nguồn sản phẩm gốm sứ xây dựng nhập khẩu vào Việt Nam để chống các tiêu cực trong lĩnh vực này. Trước mắt áp dụng với các nước ASEAN giống như họ đã và đang áp dụng hàng chục năm nay đối với Việt Nam. Đồng thời, cần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu gốm sứ quốc gia vì đây là nhu cầu quan trọng tạo nên giá trị của sản phẩm.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới... cũng là vấn đề được đề cập đến tại buổi tọa đàm.

Thay mặt Tổ biên tập Đề án và Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Hiển ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, đơn vị. Tổ biên tập sẽ tổng hợp, chắt lọc để tiếp thu và bổ sung các ý kiến vào Đề án trước khi hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load