(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 3730/UBND-XDĐT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Cát là vật liệu mà nhiều công trình xây dựng đang cần khối lượng lớn. |
Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND quận, huyện theo phạm vi chức năng quản lý Nhà nước được pháp luật quy định, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng quy định. Quá trình thực hiện tăng cường công tác phối hợp.
Giao Thủ trưởng các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, theo lĩnh vực ngành phụ trách, nghiên cứu tham mưu UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng các nội dung thẩm quyền; Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Mục 8 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
Trước đó, ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Tại Mục 8 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD); Quy hoạch khoáng sản làm VLXD; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm VLXD; Quy hoạch khoáng sản; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD trong nước có chất lượng thay thế VLXD nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm VLXD chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các trạm nghiền, trạm phân phối xi măng ở những địa phương không sản xuất được clanhke và có nguồn phụ gia, tận dụng được tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.
Giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD. Đồng thời, khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất VLXD cần cân nhắc kỹ để tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng chống thiên tai trên địa bàn để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các VLXD khác.
Nghiên cứu tình hình thực tiễn để bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp sản xuất VLXD có đủ diện tích đất để đầu tư phát triển ổn định, lâu dài phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đồng thời, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp: Đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, dầu, khí đốt và điện; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất.
Đa dạng hóa sản phẩm VLXD, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu, vùng miền khác nhau; tăng cường sản xuất các sản phẩm VLXD thay thế nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm VLXD với nhiều nước trên thế giới.
Tro, xỉ tiêu thụ ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn. |
Rà soát hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp; Cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công và các chi phí khác trong sản xuất; chủ động kế hoạch, lộ trình trả nợ để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đổi mới công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đầu tư các hệ thống nguồn điện tự dùng, điện mặt trời, phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất các sản phẩm VLXD, đặc biệt là trong các nhà máy sản xuất clanhke xi măng, để sử dụng cho sản xuất, giảm chi phí điện năng, giảm phát thải; đầu tư sử dụng rác thải thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất; đầu tư các trạm nghiền xi măng tại khu vực miền Trung, các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn thải tro, xỉ, thạch cao và các nguồn thải công nghiệp phù hợp khác.
Kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện về Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các Hiệp hội để có giải pháp, đề xuất tháo gỡ…
Huỳnh Biển
Theo