Thứ bảy 28/09/2024 00:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần Thơ: Giải bài toán ngập lụt đô thị

19:11 | 27/09/2024

(Xây dựng) - UBND thành phố Cần Thơ đánh giá, việc đầu tư dự án ứng phó với tình trạng ngập lụt là rất cần thiết và cấp bách…

Cần Thơ: Giải bài toán ngập lụt đô thị
Các tuyến đường ở Cần Thơ bị ngập trong các đợt triều hằng năm.

Đến hẹn lại… ngập

Những ngày qua, mực nước trên sông Hậu và các sông, rạch thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ lên cao, vượt báo động III là 0,08m. Các khu vực trũng thấp, tuyến đường ven sông, rạch bị ngập sâu do triều cường kết hợp mưa lớn.

Theo bản tin dự báo, cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ: “Từ tháng 9 – 11/2024 mực nước cao nhất trên sông Hậu và các kênh rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ ảnh hưởng bởi thủy triều kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về. Mực nước đỉnh triều cao nhất ngày trong các đợt triều cường ở mức xấp xỉ BĐIII và cao hơn BĐIII (2,0m) từ 20 - 30cm. Trong các đợt triều cường, mực nước lên cao gây ngập úng diện rộng tại các tuyến đường trũng thấp, ven sông của nội ô thành phố Cần Thơ”.

Đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức cao, thời tiết chuyển xấu, do ảnh hưởng của rìa xa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên mưa nhiều trong những ngày triều cường đạt đỉnh.

Trước tình hình trên, UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường.

Theo đó, Công an thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao lộ.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời.

Cần Thơ: Giải bài toán ngập lụt đô thị
Công trình âu thuyền Cái Khế giúp chống ngập cho trung tâm thành phố Cần Thơ.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh như tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh trong mùa lũ.

Đặc biệt, quận Ninh Kiều tổ chức kiểm tra các tuyến đường, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; khi triều xuống, nước rút, tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo cho nước rút một cách dễ dàng, nhanh nhất, không bị ứ đọng, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường.

Khẩn trương ứng phó

Tại Cần Thơ, cứ đến khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm lại xảy ra cảnh ngập lụt bởi những cơn thủy triều đầu và giữa tháng. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mua bán, giao thông, mà còn đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường đô thị… Tìm giải pháp phòng, chống ngập lụt, bảo vệ vùng lõi đô thị, vùng kinh tế trọng điểm của thành phố Cần Thơ đang được Sở, ngành chức năng nỗ lực thực hiện, đồng thời cần sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương…

Để hạn chế tình trạng ngập lụt, thành phố Cần Thơ đã triển khai Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3). Theo đó, tại Hợp phần 1, kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường đã đầu tư các hạng mục công trình như trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai; kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các Âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các Cổng ngăn triều (Đầu Sấu, rạch Sao, rạch Ranh, rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ…

Hiện tại, dự án đã và đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác sử dụng vào ngày cuối tháng 6/2024. Trước đó, trong đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch năm ngoái, dự án đã vận hành thử nghiệm các cống, âu thuyền và đã phát huy hiệu quả chống ngập vùng nội ô thành phố, mang lại nhiều hiệu quả về xã hội, hiệu quả môi trường, cải thiện đời sống người dân…

Tuy nhiên, trên địa bàn quận Bình Thủy còn nhiều vị trí ngập rất sâu khi bị tác động của lũ, triều cường và mưa. Vào các thời điểm triều cường đạt đỉnh thì khu vực giáp rạch Khai Luông, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy ngập sâu từ 0,7-1m; khu vực đường Cách mạng Tháng 8 (đoạn giao với đường Trần Quang Diệu, đoạn sân vận động và đoạn giao với đường Huỳnh Mẫn Đạt) ngập sâu từ 0,4-0,5m, gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố, đặc biệt là hoạt động giao thông... Do đó việc ưu tiên quan tâm nghiên cứu và thực hiện Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố Cần Thơ là cần thiết và cấp bách.

Cần Thơ: Giải bài toán ngập lụt đô thị
Cần Thơ đang triển khai nhiều công trình, dự án để chống ngập. (Trong ảnh: Sông Cần Thơ nhìn từ trên cao)

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ từng nêu nghịch lý rằng: Trong khi phố thị ngập mênh mông thì ở ruộng đồng lại không có nước.

Theo ông Hiểu, hiện nay, các vùng trồng lúa hầu hết đều làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3. Đến khi nước từ thượng nguồn đổ về, không vào được đồng ruộng thì phải tràn qua chỗ khác và gây ngập.

Thành phố Cần Thơ có khoảng 141.000ha, trong đó khoảng 117.000ha đất nông nghiệp. Và trong số đất nông nghiệp này có khoảng 95.000ha đất lúa. Chỉ riêng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No đã “bao phủ” khoảng 70.000ha đất lúa.

Vừa qua, làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cần Thơ đề xuất Trung ương hỗ trợ khoảng 4.500 tỷ đồng để đầu tư chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, dự án trên sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 4.515 tỷ đồng. Thực hiện tại quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, thời gian triển khai giai đoạn 2024 - 2030. Địa phương đề xuất nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Mục tiêu dự án là chống ngập vùng nội ô thành phố (khoảng 2.770ha), với hạng mục chính như: Xây dựng bờ kè với tổng chiều dài gần 9km dọc các sông, kênh; xây dựng 1 cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm, 11 cống kiểm soát, 8 cống hộp ngăn triều; nâng cấp các tuyến đường dọc bờ kè...

UBND thành phố Cần Thơ đánh giá, việc đầu tư dự án rất cần thiết và cấp bách, nhằm chống ngập vùng nội ô thành phố, phát triển đô thị bền vững; giảm tổn thương do ngập lụt, sạt lở vùng trung tâm; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao dự án, đồng thời cho biết dự án phù hợp thực tế và quy định, với những công trình đa mục tiêu. Tuy nhiên, dự án mới nghiên cứu bước đầu, cần chi tiết, cụ thể hóa, điều chỉnh để có tính bền vững cao hơn, tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, phạm vi bảo vệ, chống ngập của dự án chỉ 2.700ha, còn thấp so với diện tích vùng trung tâm thành phố.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ Cần Thơ trong dự án này, tuy nhiên thành phố cần nghiên cứu mở rộng vùng dự án, diện tích chống ngập, đưa vào các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, nhất là giải phóng mặt bằng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản trả lời và yêu cầu điều chỉnh, bổ sung cụ thể cho dự án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Phạm Hổ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load