Thứ năm 26/12/2024 17:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xây dựng

15:19 | 09/11/2022

(Xây dựng) - Công tác chuyển đổi số của ngành Xây dựng đang giúp hoàn chỉnh các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản pháp luật nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng.

can tap trung day manh chuyen doi so nganh xay dung
Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành Xây dựng trong tương lai (Ảnh minh họa: TTXVN).

1.700 đồ án được cập nhật lên Cổng thông tin

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 07/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xây dựng; Kế hoạch cập nhật, bổ sung Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số Bộ Xây dựng năm 2022 và Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Xây dựng năm 2022. Hiện tại, Bộ đang triển khai xây dựng Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm công khai, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong hoạt động xây dựng.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ, tích hợp phần mềm ký số tập trung, thanh toán trực tuyến, biên lai điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ; xây dựng các API dịch vụ tra cứu thông tin công dân; xác nhận số định danh cá nhân để tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Xây dựng khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp và xây dựng tài liệu hướng dẫn các địa phương về việc kết nối hệ thống Dịch vụ công thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua thông qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Bộ Xây dựng cũng phối hợp với các địa phương số hóa và cập nhật thông tin 255 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Tổng số đồ án đã cập nhật lên Cổng thông tin hiện nay là hơn 1.700 đồ án.

Cùng với đó, Bộ đã triển khai xây dựng khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành Xây dựng, trong đó tập trung xây dựng mã hồ sơ điện tử cho hệ thống tài liệu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành Xây dựng; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) của Bộ Xây dựng phục vụ công tác quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng với các cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Công nghệ BIM là chìa khóa số hóa ngành Xây dựng

Nói về giải pháp chuyển đổi số ngành Xây dựng, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng Lê Văn Cư cho biết: “Chuyển đổi số ngành Xây dựng cần phải số hóa được tất cả các loại thông tin, các loại công trình của ngành và việc số hóa này cần phải dùng công cụ công nghệ, trong đó mô hình thông tin công trình (BIM) là công nghệ phù hợp với việc này. Việc áp dụng BIM đã có Nghị định của Chính phủ khuyến khích, nhưng một số dự án đầu tư công đang vướng mắc vì các chủ đầu tư đang lúng túng với chủ trương và kinh phí.

Về phía đơn vị làm nghề nghiệp đang lúng túng vì hiện đang chưa có khuôn khổ pháp lý để vào dự án đầu tư công. Hiện nay, Viện Kinh tế xây dựng là đơn vị sự nghiệp công lập đang chủ trì một văn bản của Bộ về quyết định lộ trình ban hành BIM để trình Thủ tướng. Quyết định này đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng đồng ý và đến ngày 15/11 Viện sẽ hoàn thành để báo cáo với Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ.

Khi bỏ hồ sơ giấy, chuyển đổi thành hồ sơ điện tử thì việc thẩm định Nhà nước cần phải sử dụng BIM. Ngành Xây dựng trong những năm tới trong công cuộc chuyển đổi số cần quan tâm vì việc chuyển đổi số nằm ở BIM. Việc phát triển và quản lý đô thị thông minh trông chờ vào việc phát triển BIM vì tất cả các công trình trong đô thị nếu không có thông tin từ BIM thì không quản lý được đô thị”.

can tap trung day manh chuyen doi so nganh xay dung
Mô hình thông tin công trình (BIM) hỗ trợ chuyển đổi số ngành Xây dựng (Nguồn: rdsic.edu.vn).

Để cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thực hiện Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, trong đó tập trung ban hành các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.

Bộ sẽ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng” và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP), xây dựng khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành Xây dựng, triển khai số hóa kết quả giải quyết TTHC của Bộ; hoàn thành việc việc rà soát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Xây dựng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tại Thanh tra Bộ.

Nhật Minh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load