Thứ năm 02/05/2024 11:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần nhanh chóng bổ sung các trạm dừng nghỉ trên cao tốc

15:31 | 12/07/2023

(Xây dựng) - Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km, quy mô 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe.

Cần nhanh chóng bổ sung các trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Ngay từ khi Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bắt đầu được khởi công, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc.

Đến nay, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác khoảng 643km cao tốc Bắc - Nam phía Đông (bao gồm các đoạn: Lạng Sơn (Chi Lăng) - Hà Nội, Hà Nội - Cao Bồ (Ninh Bình), Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua hầm Cù Mông và hầm Đèo Cả, Dầu Giây - Long Thành (đi trùng 21km), Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận); đang đầu tư khoảng 1.420km.

Trong quá trình phê duyệt dự án, triển khai đầu tư các đoạn tuyến/dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoạch định đầu tư khoảng 39 cặp trạm dừng nghỉ (dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 cặp trạm) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tính đến cuối tháng 4/2023, đã có 5 cặp trạm trên phạm vi 643km (gồm 2 cặp trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, 1 cặp trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ; 1 cặp trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; 1 cặp trạm trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương); đang đầu tư 2 cặp trạm (1 cặp trạm trên cao tốc La Sơn - Túy Loan và 1 cặp trạm trên cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang).

Cần nhanh chóng bổ sung các trạm dừng nghỉ trên cao tốc
Trạm dừng nghỉ V52 Hải Dương là niềm mơ ước cho nhiều tuyến cao tốc.

Hiện nay, còn lại 30 cặp trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cơ bản đã hoạch định vị trí, quy mô trong Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, nhưng chưa được đầu tư.

Để đáp ứng yêu cầu khai thác đối với một số dự án thành phần chuẩn bị đưa vào sử dụng, ngày 7/4/2023, Bộ GTVT đã chấp thuận vị trí, quy mô 8 cặp trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến cuối cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài 250km nhưng chỉ có đúng 1 trạm dừng chân ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây hiện đang quá tải trầm trọng.

Đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây hiện đã thông 2 tuyến là Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (62km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51km). Trên cả quãng đường dài 113km này hiện chỉ có một trạm dừng nghỉ tại km28+200, địa phận tỉnh Long An. Tháng 1-2021, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km từ thành phố Cần Thơ đi Kiên Giang được đưa vào vận hành theo hình thức kín giống như cao tốc, cũng không có trạm dừng nghỉ.

Theo tìm hiểu, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã có nhà đầu tư xây dựng 2 trạm dừng nghỉ đối diện nhau tại huyện Cai Lậy, nhưng chưa thể thi công do không có đường đấu nối để vận chuyển vật tư, thiết bị. Còn với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, đã có quy hoạch trạm dừng nghỉ. Hiện các đơn vị liên quan đã khảo sát làm trạm.

Dự án thành phần 1 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng có chọn vị trí đặt trạm dừng nghỉ, dự kiến tại km22+300, nhưng chưa đầu tư xây dựng trong giai đoạn này mà chỉ giải phóng mặt bằng khoảng 5ha, có thể sau khi cao tốc hoàn thành và đưa vào sử dụng thì mới kêu gọi đầu tư trạm dừng nghỉ. Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng tuyến dài 188km) thì quy hoạch ba trạm dừng chân ở An Giang, Cần Thơ và giáp ranh Hậu Giang - Sóc Trăng.

Riêng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được quy hoạch thành cao tốc trong tương lai và cũng có quy hoạch trạm dừng nghỉ. Nguyên nhân hiện chưa có trạm là do tuyến này đang vận hành dạng đường cấp 3 đồng bằng. Tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hướng về Phan Thiết rất nhiều xe ghé vào để giải quyết vệ sinh, ăn lót dạ… trước hành trình vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, vì cao tốc mới dài 200km này chưa có trạm dừng nghỉ. Ở trạm đối diện, tình tạng này còn đông đúc hơn vì lượng xe di chuyển một quãng đường dài từ cao tốc mới đi ra. Vào thời điểm, những ngày cuối tuần, xe cộ phải chen chúc vào các trạm này để giải quyết chuyện vệ sinh.

Mới đây, Ban Quản lý dự án 6 (Ban QLDA 6) vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, trong số 36 trạm dừng nghỉ được đề xuất đưa vào quy hoạch, có 6 trạm đang khai thác sử dụng và 3 trạm đang đầu tư xây dựng được đề nghị giữ nguyên vị trí. Với các trạm còn lại từng được lên kế hoạch triển khai nhưng hiện chưa đầu tư, Ban QLDA 6 kiến nghị Bộ phê duyệt hệ thống mạng trạm dừng nghỉ gồm 27 vị trí, bao gồm 3 trạm trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đối với trạm hầm Đèo Cả tại Km 1+000 và trạm tại Km 12+000 thuộc Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, do khoảng cách quá gần và được hoạch định là trạm dừng chân, nên đơn vị được giao lập quy hoạch kiến nghị không đưa vào mạng trạm.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 - 25km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Khoảng từ 50 - 60km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn). Khoảng cách từ 120 - 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn). Nếu đối chiếu với bảng quy chuẩn trên thì hơn 2/3 các tuyến cao tốc của Việt Nam đã đưa vào khai thác hiện chưa đạt tiêu chuẩn.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load