Thứ sáu 24/05/2024 06:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

21:30 | 28/08/2023

(Xây dựng) - Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú công nhân là nội dung mới, lần đầu tiên được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ngày 25/8, cho thấy vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra: Hai luồng ý kiến

Báo cáo về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết: Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân vẫn có hai luồng ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất, với nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA ngày 03/8/2023. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.

Luồng ý ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình.

Đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH cho công nhân trong một thời hạn nhất định. Nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật…

Thảo luận tại phiên họp: Tiếp tục 2 luồng quan điểm

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không tán thành với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH vì rằng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chính trị xã hội không nên "ôm" việc này. Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm chủ một số dự án và gặp vướng mắc vì không có nguồn lực.

Theo Phó Chủ tịch Phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách cho công nhân. Việc đầu tư NƠXH nên giao cho cơ quan hành chính, như UBND cấp tỉnh. Do vậy, đề nghị Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thấu đáo quy định này.

Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng đề nghị cân nhắc nội dung này, đánh giá tác động các mặt khi quy định.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh dẫn Điều 10 của Hiến pháp: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…” và cho rằng: Quy định cũng phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, để thuyết phục các đại biểu Quốc hội khi quyết định, bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề án cụ thể, rõ ràng hơn về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cân nhắc, trao đổi thêm. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

Chủ tịch Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Cần xem Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyết tâm không? Nếu có thì cần chỉnh lý lại quy định tại dự thảo Luật cho phù hợp để không vênh với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh lý theo hướng: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH, làm việc tại các Khu công nhân thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Có đủ cơ sở để luật hóa

Trực tiếp trả lời câu hỏi vì sao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại tham gia đầu tư NƠXH? Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Tổng Liên đoàn đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Việc đưa quy định này vào dự thảo luật có có sở lý luận và thực tiễn. Về lý luận, một trong những mối quan tâm hàng đầu của công nhân và người lao động là vấn đề nhà ở. Từ vấn đề này kéo theo một loạt các vấn đề khác của công nhân như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 vừa qua…

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước thì còn hạn chế, doanh nghiệp nói chung chưa mặn mà với NƠXH. Do vậy, rất cần một hệ thống pháp luật có khả năng khai phóng để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho nhóm đối tượng này.

Về mặt thực tiễn, trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.

Trên cơ sở Quyết định 655, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, đã cho công nhân thuê 100%. Quá trình vận hành đến nay không phát sinh vấn đề gì lớn, ngoài một số vấn đề tương tự như trong vận hành các nhà chung cư khác.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ. Đến nay, đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn, trong đó có 13 địa điểm đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Về cách thức đầu tư, Tổng Liên đoàn xác định khi tham gia chỉ đầu tư có tính tượng trưng, vì kinh phí công đoàn cũng hạn chế, khoảng 5.600 tỷ đồng (tính tới cuối 2021) từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ đầu tư của Tổng Liên đoàn. Nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn muốn được làm để có thể khẳng định với công đoàn viên, người lao động khi tham gia tổ chức Công đoàn sẽ có cơ hội thuê nhà giá phù hợp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Đến nay đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để luật hóa quy định này vào Luật Nhà ở, đồng thời cho biết sẽ cùng Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật xử lý kỹ thuật các điều khoản để bảo đảm tính khả thi.

Phát triển nhà lưu trú cho công nhân Khu công nghiệp

Nhà lưu trú công nhân trong Khu công nghiệp cũng là một nội dung mới lần đầu được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Phát triển nhà lưu trú công nhận Khu công nghiệp chính sách mới, nhằm cụ thể Nhị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị phải gắn với trách nhiệm bố trí nhà ở cho công nhân.

Dự thảo luật đề xuất 2 hình thức: Một là NƠXH bán hoặc cho công nhân thuê, thuê mua; Hai là nhà lưu trú công nhân.

Thứ trưởng chia sẻ: Trên thực tế, ở một số Khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, chủ đầu tư hạ tầng hay các doanh nghiệp, nhà máy đã chủ động đầu tư nhà lưu trú công nhân ở những phần đất thương mại dịch vụ hoặc tại những khu đất chưa dùng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu ở trước mắt của người lao động, chuyên gia làm việc cho chính các đơn vị, doanh nghiệp. Nhà lưu trú do cơ quan doanh nghiệp có trách nhiệm phát triển, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư, không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, quốc phòng…

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load