(Xây dựng) - Công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng đang được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào. Tuy nhiên, từ thực tiễn vẫn tồn tại những “khoảng trống, khoảng trắng” trong xử lý tham nhũng, tiêu cực cần phải được bịt kín, xử lý nhanh để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa nhà riêng của ông Nguyễn Văn Vịnh - cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị khởi tố, bắt giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tháng 5/2023 (Nguồn ảnh: Báo Công lý). |
Theo đó, ông Trần Văn Tân đã bị Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên 6 năm tù về tội nhận hối lộ trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” nhưng tỉnh Quảng Nam chưa xem xét bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh và cũng chưa xóa tư cách đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Tân.
Cho thấy, dù đã bị khởi tố, bắt tạm giam, bị Tòa tuyên án nhưng trên danh nghĩa, ông Trần Văn Tân vẫn là đại biểu HĐND và giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Ở một trường hợp khác, tại Hội nghị lần thứ 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) đươc tổ chức vào tháng 5/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh - cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Ngay sau đó, ngày 18/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Vịnh (63 tuổi) để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 3, điều 281, Bộ Luật Hình sự năm 1999. Mới đây, ông Nguyễn Văn Vịnh đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố vì đã ký nhiều văn bản trái pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhận “cảm ơn” 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù cha đẻ bị khai trừ Đảng, bị khởi tố, truy tố, bắt tạm giam nhưng ông Nguyễn Quang Bình - con đẻ ông Nguyễn Văn Vịnh đang giữ chức vụ chủ chốt của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với chức danh Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Song cần thấy, từ thực tiễn vẫn tồn tại những “khoảng trống, khoảng trắng” trong xử lý tham nhũng, tiêu cực cần phải được bịt kín, xử lý nhanh để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu.
Nhìn từ vụ việc của ông Trần Văn Tân tại Quảng Nam và trường hợp của Nguyễn Quang Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát khiến dư luận không khỏi băn khoản đặt câu hỏi những cán bộ này có còn đủ uy tín để đảm nhận và giữ cách chức vụ chủ chốt của tỉnh, của huyện nơi họ đang và từng công tác hay không?
Mặt khác, có hay không tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, Trung ương quyết liệt, địa phương chây ỳ, chậm trễ trong xử lý cán bộ mắc sai phạm hoặc để người thân, người nhà vướng vòng lao lý, gây phương hại cho đất nước?
Tại sao Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, hầu hết các Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh đều kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh mà lại để xảy ra tình trạng cán bộ đi tù vẫn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cha đẻ bị khai trừ Đảng, bị bắt giam con vẫn làm Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện?!
Trong khi Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, còn là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên ở đâu khi để những cán bộ “có tì vết” tiếp tục tại vị.
Đối với ông Trần Văn Tân đã và đang phải trả giá vì những hành vi của bản thân gây ra. Vậy trường hợp ông Nguyễn Quang Bình, với cương vị là cán bộ chủ chốt của huyện Bát Xát, giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, người đứng đầu là UBND huyện là Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, là người gánh vác trách nhiệm, phụng sự việc dân, việc nước, thì việc cha đẻ bị khai trừ Đảng, bị khởi tố vì mắc sai phạm, khuyết điểm, ông Bình có phải chịu trách nhiệm cá nhân hay không khi đã không khuyên ngăn kịp thời để người thân, người nhà bị khởi tố, vướng vòng lao lý?
Điều 3, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” quy định: “Phải nghiêm khắc với bản thân...; không để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Không để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”.
Và đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm theo khoản e, Điều 54 Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” là để vợ (chồng), con sống xa hoa, lãng phí gây dư luận xấu trong xã hội hoặc vi phạm pháp luật.
“Ông không dạy bảo được vợ con thì ông nói được ai, giáo dục được ai?” là phát ngôn rất thẳng thắn, rất nghiêm khắc, đồng thời cũng là nỗi trăn trở, day dứt của người đứng đầu Đảng ta về một bộ phận quan chức thời nay để vợ con, người nhà, người thân làm những việc thiếu đàng hoàng khiến dư luận bức xúc.
Những năm gần đây, không ít quan chức bị thi hành kỷ luật, cách chức, thậm chí bị xử lý hình sự bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không chú trọng giáo dục, quản lý, khuyên răn bố mẹ, vợ con, người nhà, người thân, để họ làm liều, làm bậy.
Nếu những sai phạm nhỏ của bố mẹ, vợ con, người nhà, người thân của quan chức mà không được cảnh báo, chặn đứng từ đầu thì có thể tích tụ thành những sai phạm lớn, gây nguy hại, tổn thất cho đất nước, cho xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Cán bộ, đảng viên phải lấy chữ “Liêm” làm đầu. Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không Liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Và khi phẩm chất người cha không lành mạnh, thì tư cách của người con sẽ không còn ngay ngắn, thẳng thắn, lại càng khó làm tròn bổn phận, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với Tổ quốc và nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ có lòng tự trọng thấp, tham quyền cố vị, nhiều địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng nể nang, đặc quyền, bệnh “cánh hẩu”, do vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị thì những cán bộ có năng lực hạn chế, uy tín giảm sút cần thay đổi tâm lý “bám víu”, “níu kéo” chức vụ, nên tự nguyện xin từ chức, để việc “nhường ghế”, “rời ghế” trở thành văn hóa, thể hiện sự tự trọng của cán bộ, đảng viên.
Văn Minh
Theo