(Xây dựng) - Sau hơn nửa năm thi công, nút giao Tân Vạn đang được đẩy nhanh tiến độ. Đây là nút giao lớn nhất và được đánh giá là phức tạp nhất tại dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Công trình này thuộc Gói thầu XL1 - xây dựng nút giao Tân Vạn thuộc dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Công trình này được khởi công cuối tháng 5/2024 và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2026, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Dương dài 26,6km. Trong đó, điểm đầu từ nút giao Tân Vạn có chiều dài 2,4km, đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km và đoạn đường còn lại từ nút giao Bình Chuẩn đến cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn dài 8,9km.
Hiện nay, trên công trường, nhà thầu huy động 78 máy móc thiết bị và hàng trăm kỹ sư - công nhân, đồng loạt triển khai 15 mũi thi công để thực hiện xử lý nền đất yếu, đào đắp nền đường, đúc dầm, khoan cọc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sau hơn nửa năm thi công, công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt hơn 77%. Liên danh nhà thầu cho biết, hiện tại một số vị trí mặt bằng bàn giao vẫn chưa liền tuyến dẫn đến quá trình thi công gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp quang cũng chưa thực hiện di dời. Bên cạnh đó công tác tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng còn chậm.
Theo thiết kế, dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 địa phương bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự án có tổng kinh phí đầu tư gần 75.400 tỷ đồng. Dự kiến Vành đai 3 hoàn thành dự án vào năm 2025 và thông xe toàn tuyến vào năm 2026.
Dự án được đánh giá là công trình có ý nghĩa quan trọng, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển. Đồng thời, tăng cường kết nối các khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía Nam.
Bình An
Theo