Mỗi dịp tháng Bảy về, chúng ta lại thương nhớ, biết ơn nhiều hơn những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh tính mạng, xương máu, hay cống hiến sức lực, trí tuệ và một phần thân thể cho đất nước.
Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc và luôn biết ơn sâu sắc đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con trung hiếu, anh dũng để đất nước được nở hoa độc lập.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của những người và gia đình có công với cách mạng. Đồng thời, càng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cùng những tình cảm đặc biệt và tấm lòng yêu thương vô hạn của Người dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đường Bắc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân) |
Tưởng nhớ các liệt sĩ, Bác viết: "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm các liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh... Anh linh của các liệt sĩ bất diệt!".
Đối với thương binh, Bác luôn ân cần căn dặn giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội nhân dân. Bác viết: "... Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí…".
Bác luôn đề cao sự cống hiến của thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, và cũng nghiêm khắc nhắc nhở "Nếu anh em nào có sai lầm như công thần, ỷ lại, kém kỷ luật, kém tin tưởng, yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác thì nên cố gắng sửa chữa".
Trong những năm qua, phong trào toàn dân "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống của toàn dân, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Công tác đền ơn đáp nghĩa với hàng triệu đối tượng chính sách là công việc thường nhật của các tổ chức trong hệ thống chính trị, làm vơi đi nỗi đau, sự mất mát do kẻ thù gây nên, góp phần giúp các đối tượng ngày càng ổn định cuộc sống, yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của dân tộc.
Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" ngày càng đi vào chiều sâu và ngày càng được xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Quỹ nghĩa tình đồng đội, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng còn có chương trình hợp tác quốc tế nhằm xác định danh tính của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.
Thiết nghĩ, với những người được hưởng ân huệ từ sự hy sinh, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công…, càng nên thể hiện sự tri ân một cách trân trọng và thành kính.
Trên tinh thần ấy, chúng ta cần đồng lòng thực hiện tốt nội dung mà Đại hội Đảng lần thứ XIII vạch ra, trong đó, tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng lực lượng vũ trang thực sự hùng mạnh và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc là cách tốt nhất để gìn giữ hòa bình, nhằm thỏa lòng mong ước của Bác Hồ cùng hàng vạn anh linh liệt sĩ và lớp lớp các anh chị thương binh, bệnh binh.
Được sống trong đất nước thanh bình, hạnh phúc như ngày hôm nay chúng ta càng ghi nhớ, khắc sâu những lời dạy của Bác tích cực hưởng ứng tham gia phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống. Đó cũng là tình cảm, trách nhiệm, là cách tri ân thiết thực của mỗi chúng ta và của toàn xã hội.
Theo Nguyễn Hồng Quân/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/cam-xuc-thang-bay-20230726223224049.htm