(Xây dựng) - Vụ một cán bộ phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong khi thi hành nhiệm vụ, có phát ngôn thiếu chuẩn mực diễn ra đã hơn một tuần nay. Nhưng dư luận vẫn có ý kiến, các địa phương trong cách ly chống dịch nên quy hoạch điểm để nông dân bán rau, quả cho người tiêu dùng thì sẽ giảm được những mâu thuẫn xã hội.
Gia đình chị Vũ Thị Chinh ở thôn Cát Thành, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên. |
Vắn tắt lại sự việc, vào khoảng 17 giờ, ngày18/4/2020 (trong lúc cao điểm chống dịch Covid-19), chị Vũ Thị Chinh, người ở thôn Cát Thành, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên (tái phạm lần 2) chở rau quả bằng xe máy để bán rong đã dừng đỗ tùy tiện dưới lòng đường, trên vỉa hè ở đoạn đường thuộc khu 7, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long.
Tổ công tác chống dịch Covid-19 và quản lý trật tự đô thị của phường Bãi Cháy do chị Lê Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trường, đến xử lý vi phạm, thì chị Vũ Thị Chinh chống đối lại. Khi tạm giữ xe máy và vật chứng có xô xát, giằng co, chị Vũ Thị Chinh đẩy mạnh làm chị Lê Thị Hiền suýt ngã. Vị cán bộ phường này đã phát ngôn thiếu chuẩn mực.
Thông tin trên phát tán trên trang mạng xã hội, người nghe phẫn nộ. Rau tươi là mặt hàng cần thiết, không trong danh mục cấm lưu hành trong chống dịch. Nhiều người đồng cảm với bà con nông dân trồng được cây rau, quả bí mùa vụ không bán được để héo không ổn, thu hái bán lưu động ở ngõ nhà mình đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thì ủng hộ. Cũng có tâm tư, chị Phó Chủ tịch UBND phường đôn đáo việc công, vì lo chống dịch chung cho cộng đồng, nhỡ miệng mà bị kỷ luật.
Từ sự vụ rắc rối hàng rong trên đường phố phường Bãi Cháy, cộm lên những thông tin trái chiều khác nhau là vậy. Nhưng một thực tế, không chỉ ở Bãi Cháy mà trên phạm vi cả nước, các địa phương đã tích cực quan tâm đời sống người dân, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong chống dịch nhưng lại quên tiểu tiết, người dân không có chỗ họp chợ, khi đã giải tỏa các “chợ cóc”. Hàng hóa tập trung vào chợ lớn, nhưng các ô điểm trong chợ thì đã có chủ. Những người nông dân, ngư dân làm ra con cá, lá rau không thể chen chân vào quầy hàng của người khác mà bán sản phẩm của mình được. Người tiêu dùng thì cơm bữa, rau xanh không tích trữ lâu được.
Các đô thị cần nghiên cứu, quy hoạch và có chính sách phù hợp để bố trí địa điểm kinh doanh cho những người bán hàng rong, hàng tự sản tự tiêu không có điều kiện được bố trí địa điểm cố định trong các chợ.
Từ vụ cô bán hàng rong nói trên, cho thấy trong chống dịch, “con cá lá rau” cần có điểm người nông dân, ngư dân sang tay cho người tiêu dùng.
Vũ Phong Cầm
Theo