(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 84/2013/NĐ-CP ngày 25/07/2013 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, trong đó nhấn mạnh tới nội dung mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư.
Các địa phương sẽ phải lập kế hoạch phát triển nhà tái định cư hàng năm và 5 năm
Phải lập kế hoạch cụ thể
Để phát triển nhà ở phục vụ tái định cư thì trình tự lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tái định cư phải thật cụ thể. Thông tư quy định rõ, các chủ đầu tư dự án phục vụ tái định cư trước khi xây dựng phải phối hợp với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và UBND xã, phường, thị trấn nơi có dự án tiến hành điều tra xã hội học như khảo sát nhu cầu của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực giải phóng mặt bằng, trong đó xác định nhu cầu các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải di dời về việc tái định cư như vị trí, loại nhà ở phục vụ tái định cư; số lượng, diện tích nhà ở, đất ở…
Đối với UBND huyện phải chỉ đạo lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổng hợp nhu cầu nhà ở phục vụ tái định cư trên địa bàn, báo cáo Sở Xây dựng về nhu cầu nhà ở phục vụ tái định cư được đầu tư bằng mọi nguồn vốn. Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư hàng năm và 5 năm trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong kế hoạch phát triển nhà tái định cư phải dự báo số lượng hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tái định cư, tổng số căn hộ, tổng diện tích sàn và quy mô, cơ cấu diện tích căn hộ nhà chung cư dự kiến đầu tư xây dựng, số lượng, diện tích nền đất ở có công trình hạ tầng kỹ thuật dự kiến triển khai. Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển phải xác định khu vực, vị trí, tổng diện tích đất dành để phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, trong đó có bố trí quỹ đất dành để hoán đổi cho nhà đầu tư tham gia thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao. UBND cấp tỉnh căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn đã được phê duyệt để xem xét, quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư hàng năm và 5 năm, công bố công khai kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, đồng thời báo cáo Bộ Xây dựng trước ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch.
Cần dung hòa lợi ích các bên
Căn cứ kế hoạch phân bổ và tiến độ cung cấp tới từng dự án nhà ở tái định cư đã được phê duyệt, chủ đầu tư khu nhà ở tái định cư, công trình nhà ở tái định cư lập phương án mua nhà ở thương mại bao gồm vị trí, địa điểm, số lượng và chủng loại căn hộ, diện tích sàn mỗi căn hộ, kể cả phần diện tích sử dụng chung của nhà chung cư (trong trường hợp mua toàn bộ căn hộ nhà chung cư đó để bố trí tái định cư). Cụ thể, trường hợp bên mua nhà ở thương mại là chủ đầu tư dự án khu nhà ở phục vụ tái định cư, công trình nhà ở phục vụ tái định cư hoặc chủ đầu tư dự án có nhu cầu nhà ở phục vụ tái định cư trực tiếp mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư đều phải có trách nhiệm trả số tiền bằng 95% giá trị hợp đồng cho bên bán nhà trước khi nhận bàn giao nhà ở; 5% giá trị hợp đồng còn lại sẽ trả sau khi hộ gia đình, cá nhân tái định cư được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bên bán nhà có trách nhiệm bảo hành các căn hộ chung cư thương mại, các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất ở tái định cư (nếu có); mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại để gửi 2% kinh phí bảo trì và bàn giao tài khoản kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư khi Ban quản trị được bầu để quản lý kinh phí bảo trì. Đồng thời, bên bán nhà có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng của địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho từng hộ gia đình, cá nhân tái định cư.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đức, cho rằng: để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà tái định cư, doanh nghiệp có thể chấp nhận bán giá rẻ cho Nhà nước, nhưng bù lại Nhà nước phải có những ưu đãi về chính sách, thủ tục. “Tựu chung là cần sự dung hòa giữa hai bên về giá cả, lợi ích trong tiến trình hoạt động, đầu tư xây dựng, phát triển dự án”.
Thành Luân
Theo