Chủ nhật 22/12/2024 12:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Các chỉ tiêu về môi trường đến 2010: Khó thực hiện

08:43 | 03/10/2008

Nhiều đô thị chưa thực hiện phân loại chất thải tại nguồn

Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong các đô thị và KCN trong toàn quốc khoảng 8,8 triệu tấn/năm (tương đương 24.000 tấn/ngày). Trong số này, lượng chất thải rắn sinh hoạt 6,9 triệu tấn/năm (chiếm 79%), chất thải rắn công nghiệp 1,6 triệu tấn/năm (chiếm 18%) và chất thải rắn y tế 0,3 triệu tấn/năm (chiếm 3%).


Vệ sinh môi trường là vấn đề “đau đầu” của các đô thị lớn.

Mặc dù khối lượng chất thải lớn như thế, nhưng đến nay hầu hết các đô thị đều chưa thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Việc phân loại tại nguồn hiện mới đang triển khai thí điểm ở một vài đô thị như: Hà Nội (do JICA tài trợ), Đà Nẵng, TP.HCM, TP Rạch Giá, TP Cao Lãnh và Long An. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước khoảng 80%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng khoảng 20 - 30%.

Công nghệ xử lý chất thải rắn chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp. Lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 60%. Ngoài công nghệ chôn lấp, công nghệ chế biến chất thải rắn thành phân hữu cơ đã và đang được đầu tư ở một số TP lớn như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì, Vinh, Huế… Lượng chất thải rắn được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ khoảng 6%.

Hạ tầng kỹ thuật quá tải

Với thực tế như vậy, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển thoát nước và quản lý chất thải rắn đô thị đến năm 2010 theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X là khó thực hiện.

Nguyên nhân là do nguồn vốn cho phát triển thoát nước và quản lý chất thải rắn chủ yếu sử dụng từ ngân sách Nhà nước (tập trung vào nguồn vốn ODA). Yêu cầu nguồn vốn đầu tư cho thoát nước và xử lý chất thải rắn lớn nên thiếu vốn đầu tư. Xã hội hoá trong lĩnh vực thoát nước và chất thải rắn còn yếu, chưa được đẩy mạnh; chính quyền các đô thị còn trông chờ ỷ lại vào ngân sách. Phí thoát nước, thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phục vụ cho công tác quản lý vận hành còn thấp. Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, các KCN phát triển mạnh đã gây quá tải cho hạ tầng kỹ thuật.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành một số văn bản về thoát nước đô thị và KCN, quản lý chất thải rắn. Bộ Xây dựng cũng đang triển khai một số dự án, chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật. Bộ cũng kiến nghị một số mục tiêu phát triển thoát nước và quản lý chất thải rắn đô thị đến năm 2010. Theo đó, sẽ xoá bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị lớn, cải thiện từng bước việc thoát nước tại các đô thị còn lại; mở rộng phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước lên 70%; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, ưu tiên các đô thị lớn, trung tâm dịch vụ, du lịch; phấn đấu tất cả các đô thị loại III trở lên có dự án thoát nước và xử lý nước thải. Xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ tại các bệnh viện, KCN. Tất cả các tỉnh, thành thực hiện xong việc lập quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị và KCN. Thực hiện phân loại chất thải rắn tại gia đình cho các đô thị được đầu tư xây dựng công trình xử lý tái chế, tái sử dụng chất thải rắn. Thu gom, vận chuyển và xử lý 90% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và KCN, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, đặc biệt là với các đô thị thiếu quỹ đất làm bãi chôn lấp rác. Xử lý 100% chất thải rắn y tế nguy hại và trên 60% chất thải rắn công nghiệp nguy hại bằng những công nghệ phù hợp.

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị chưa hoàn chỉnh

Tất cả các đô thị từ loại IV trở lên đều đã có hệ thống thoát nước nhưng chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là hệ thống cống chung cho cả nước mưa và nước thải. Tuy nhiên, đến nay mức độ dịch vụ (tỷ lệ đấu nối) mới đạt khoảng 60%. Chiều dài tuyến cống tính theo người (tính từ đấu nối hộ) 1,2 - 1,4m/người (các đô thị trên thế giới đạt bình quân từ 6 - 8m/người). Tổng lượng nước thải đô thị khoảng 3 triệu m3/ngđ. Tổng công suất các trạm xử lý nước thải đã xây dựng đạt 125 nghìn m3/ngđ.

Hiện có 5/55 đô thị loại III trở lên đã có trạm xử lý nước thải (Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Ban Mê Thuột); 12 đô thị đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; 11 đô thị khác đang triển khai đấu thầu thi công hoặc thiết kế kỹ thuật xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị chưa hoàn chỉnh

Tất cả các đô thị từ loại IV trở lên đều đã có hệ thống thoát nước nhưng chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là hệ thống cống chung cho cả nước mưa và nước thải. Tuy nhiên, đến nay mức độ dịch vụ (tỷ lệ đấu nối) mới đạt khoảng 60%. Chiều dài tuyến cống tính theo người (tính từ đấu nối hộ) 1,2 - 1,4m/người (các đô thị trên thế giới đạt bình quân từ 6 - 8m/người). Tổng lượng nước thải đô thị khoảng 3 triệu m3/ngđ. Tổng công suất các trạm xử lý nước thải đã xây dựng đạt 125 nghìn m3/ngđ.

Hiện có 5/55 đô thị loại III trở lên đã có trạm xử lý nước thải (Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Ban Mê Thuột); 12 đô thị đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; 11 đô thị khác đang triển khai đấu thầu thi công hoặc thiết kế kỹ thuật xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Cẩm Tú

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load