Tập đoàn E-United (Đài Loan) vừa đề nghị tiếp tục triển khai Dự án thép Guang Lian tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) rút khỏi Dự án thép này.
Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã buộc nhà đầu tư cam kết triển khai đúng tiến độ từng hạng mục rõ ràng nếu muốn tiếp tục dự án thép có vốn đầu tư ước lên đến 4,5 tỉ đô la Mỹ này.
Trong buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất ngày 19/9, sau khi báo cáo tiến độ các hạng mục đã triển khai, E-United đề nghị tiếp tục được triển khai Dự án và dự kiến nhà đầu tư Đài Loan này sẽ khởi công “siêu dự án” thép này vào cuối tháng 9/2015.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết, mặc dù E-United muốn tiếp tục triển khai Dự án, nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ từng hạng mục rõ ràng trong thời gian tới để tránh trường hợp Dự án bị kéo dài như thời gian qua.
Ông Dũng cho hay, với những đề nghị của E-United hôm nay, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ báo cáo lại với UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có quyết định cuối cùng.
Sau khi làm lễ động thổ vào năm 2007, cho đến nay, chủ đầu tư Dự án thép Guang Lian đã bỏ khoảng 40 - 50 triệu đô la Mỹ vào một số hạng mục như khối nhà ở công nhân, san lấp mặt bằng, tường rào, cọc xây nhà máy sản xuất...
Dự án thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2006 với vốn ban đầu khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Đến nay, sau nhiều lần đổi chủ đầu tư nhưng Dự án vẫn chưa có sản phẩm, dù chính quyền địa phương cho biết đã giao gần 330 héc ta đất và nhiều lần đốc thúc nhà đầu tư nhanh chóng triển khai Dự án.
Mới đây nhất vào năm 2012, Tập đoàn JFE của Nhật Bản đã có định hợp tác với E-United cùng triển khai Dự án thép này và đề nghị nâng công suất từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm và vốn đầu tư dự kiến cũng được nâng theo từ 3 tỉ đô la Mỹ lên 4,5 tỉ đô la Mỹ trên diện tích đất gần 700 héc ta. Tuy nhiên, mới đây nhà đầu tư Nhật Bản đã tuyên bố rút lui khỏi Dự án.
Như vậy sau gần 10 năm cù cưa, với động thái muốn tiếp tục đeo đuổi dự án của E-United hôm nay, hy vọng Dự án thép Guang Lian sẽ được khởi công và có sản phẩm, không còn rơi vào tình trạng đình trệ như bao năm qua.
Theo một số chuyên gia ngành thép, điều đáng lo ngại nhất trong những năm gần đây chính là việc cấp phép các dự án thép tràn lan, vừa vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, vừa thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng để cân đối giữa ngành thép với sự phát triển của các ngành điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển.
Bên cạnh đó, một số dự án thép lớn sau khi cấp phép đầu tư lại chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ vốn triển khai, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian lập, phê duyệt dự án và đấu thầu kéo dài.
Một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến việc các dự án thép lớn bị chậm tiến độ chính là các địa phương chạy theo thành tích thu hút vốn đầu tư, không thẩm tra, đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn thực sự của các chủ đầu tư trước khi cấp phép.
Theo Kinh Tế Sài Gòn
Theo