Thứ bảy 21/12/2024 19:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Đảm bảo với yêu cầu thực tiễn

12:22 | 02/08/2024

(Xây dựng) - Ngày 2/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về xây dựng.

Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Đảm bảo với yêu cầu thực tiễn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định lãnh đạo Bộ rất quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Sau gần 3 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 (sớm hơn quy định 5 tháng) có nhiều nội dung mới, có những thay đổi nhất định, tác động trực tiếp đến các nội dung quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.

Do đó, các quy định tại Nghị định này phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cần phải sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn như: Khó khăn trong việc xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; thời hạn để làm thủ tục xin cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín, chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp, một số biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa khả thi, khó thực hiện.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP là kịp thời và cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và khả thi trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Để chuẩn bị cho việc soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, ngay từ khi có Quyết định số 53/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 790 ngày 27/2/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước báo cáo tổng kết quá trình thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP để ghi nhận những vướng mắc, khó khăn bất cập của Nghị định và rà soát nghiên cứu các đề xuất của địa phương đối với dự thảo Nghị định thay thế.

Bộ Xây dựng đã nhận được 124 ý kiến góp ý của các Cục, Vụ thuộc Bộ, Sở Xây dựng Hà Nội và Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đối với dự thảo 1, tổ chức họp lấy ý kiến các Cục, Vụ trước khi đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo 2 lấy ý kiến các địa phương, Bộ, ngành, các Hiệp hội, tổ chức cá nhân liên quan.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc hành vi vi phạm căn cứ theo quy định pháp luật chuyên ngành xây dựng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan nhằm cập nhật sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm, đảm bảo phủ kín các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, phù hợp với pháp luật hiện hành và vướng mắc khắc phục xử lý vi phạm.

“Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định lãnh đạo Bộ rất quan tâm, chỉ đạo sát sao Thanh tra Bộ và các Cục, Vụ rà soát kỹ lưỡng các quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với từng hành vi quy định tại dự thảo.

Đây là Nghị định phức tạp, có quy mô lớn liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tác động đến xã hội nên rất cần sự quan tâm chỉ đạo góp ý của UBND các tỉnh, thành phố, Sở Xây dựng đối với dự thảo Nghị định”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Đảm bảo với yêu cầu thực tiễn
Quang cảnh Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu tham dự đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định. Theo các đại biểu, qua quá trình thực hiện Nghị định đã gặp những vướng mắc, bất cập như: Khó khăn vướng mắc trong xác định hành vi “không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng”; khó khăn trong xác định hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản; khó khăn trong xác định hành vi tổ chức thi công công trình vi phạm quy định về chất lượng gây lún, nứt, hoặc hư hỏng công trình lân cận; khó khăn trong xác định hành vi cơi nới, lấn chiếm diện tích và hành vi sai phép, không phép; việc xác định xử lý các trường hợp nhà ở riêng lẻ đang thi công xây dựng, có dấu hiệu ngăn phòng chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ thành cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, lưu trú; xử lý các công trình xây dựng có quy mô nhỏ hơn giấy phép xây dựng…

Từ yêu cầu thực tiễn, các đại biểu cũng kiến nghị Tổ soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 16/2022 căn cứ tình hình thực tế nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn, tạo cơ chế pháp lý hiện hữu quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá các ý kiến rất sát thực tế và nhiều nội dung liên quan đến Nghị định như ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu cụ thể hóa trong Nghị định sắp tới.

Bộ trưởng đề nghị, Ban biên tập, Tổ soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh rà soát cho phù hợp với thực tiễn như: Liên quan tới thẩm quyền xử phạt; bổ sung hành vi xử phạt nhà thầu thi công xây dựng; xử lý sai phạm của nhà ở riêng lẻ cũng cần rõ ràng, thẩm quyền xử phạt liên đới tới pháp luật chuyên ngành khác; thời hạn khắc phục, biện pháp khắc phục cũng cần phù hợp thực tế…

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP gồm 88 Điều, chia thành 8 Chương.

Cụ thể: Chương 1: Quy định chung (6 Điều); Chương 2: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng (35 Điều); Chương 3: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (1 Điều); Chương 4: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (16 Điều); Chương 5: Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản và nhà ở (14 Điều); Chương 6: Quy định về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt về vi phạm hành chính (10 Điều); Chương 7: Quy định về biện pháp thi hành (2 Điều); Chương 8: Quy định về điều khoản thi hành (4 Điều).

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp thi hành, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Vi phạm hành chính về xây dựng quy định xử phạt tại Nghị định này bao gồm: Hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Nhóm PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load